Trước lời kêu gọi, vận động của anh Thanh, người dân trong bản đã tích cực đóng góp tài sản, góp phần đưa xã Thắng Quân đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 4 năm 2021.
Cách đây hàng chục năm, Hòn Lau được coi là “thủ phủ” trồng ngô, khoai, sắn… đó cũng chính là nguyên nhân đất đai bạc màu và đồi nương bị bỏ hoang. Xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Sơn đã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tích cực cùng cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng cuộc sống ấm no.
Bí thư Chi bộ Đặng Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố Trần Văn Thanh là những tấm gương “cầu nối” 90 hộ dân tộc Dao Quần trắng tiếp cận với những chính sách phát triển kinh tế tại Hòn Lau. Việc vận động người dân trồng rừng được giao trách nhiệm cho từng đảng viên. Bí thư Chi bộ Minh lúc ấy mới 25 tuổi, năng động, khéo léo, đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động trồng rừng. Anh Minh cho biết: “Cách đây hơn chục năm, đất Hòn Lau chỉ trồng sắn, đơn giản vì cây sắn thời ấy có thể giúp bà con no bụng mỗi ngày. Tuy nhiên, hậu quả cây sắn để lại cho mảnh đất này những khoảng đồi trọc, bạc màu, khó canh tác. Cũng đúng thời điểm này, tỉnh Tuyên Quang, huyện Yên Sơn đã có chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất. Trưởng thôn Thanh và tôi mới ngoài 20 tuổi, cán bộ thôn trẻ nhất huyện Yên Sơn lúc ấy phải bắt tay vào làm “đầu tàu” để gia đình, người dân làm theo. Sau khoảng 5 - 7 năm, cây rừng được khai thác, kinh tế từ rừng đã góp phần đem lại diện mạo mới cho Hòn Lau hôm nay”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, Hòn Lau có khoảng 80 ha rừng keo, phát triển kinh tế rừng đã trở thành thế mạnh ở Hòn Lau vì đất hợp cây keo, xã lại có nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, không lo đầu ra. Nếp sống của người dân cũng thay đổi, người dân đã tự chủ động trồng lại ngay sau khi khai thác, một số hộ còn để rừng trên 10 năm mới bán đươc nhiều tiền hơn. Hết vụ trồng rừng, người Dao tại Hòn Lau tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp như trồng bưởi, chăn nuôi trâu, bò…, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi đầu trong phát triển kinh tế là Tổ trưởng Trần Văn Thanh, sau khi vận động nhân dân trồng rừng thành công, anh Thanh tiếp tục tìm hướng phát triển kinh tế vườn. Nhiều lần tìm tòi, anh Thanh quyết định đưa cây chè về Hòn Lau để giúp người Dao “khởi nghiệp” với ý tưởng sẽ thành lập Hợp tác xã chè, để Hòn Lau có vùng chuyên canh kinh tế. Những tưởng đó là hướng đi đúng, vậy nhưng chỉ sau vài năm trồng thử nghiệm, cây chè không hợp thổ nhưỡng, kém phát triển và sâu bệnh. Bao nhiêu sức lực, vốn liếng cùng niềm hy vọng về sự đổi đời đều đổ bể. Quyết tâm không lùi bước, anh Thanh đi học hỏi mô hình trồng bưởi tại xã Xuân Vân và mạnh dạn đưa bưởi ngọt vào trồng thử. Cây bưởi “dễ tính” hơn với đất Hòn Lau nên đã thành cây kinh tế vườn trong 10 năm nay. Riêng anh Thanh giờ đã có 300 gốc bưởi Soi Hà. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng khoa học - kỹ thuật nên vườn bưởi phát triển tốt, đem lại nguồn thu năm nhiều đến 200 triệu đồng, ít như năm 2021 cũng được trên 100 triệu đồng.
Niềm tin với Tổ trưởng Thanh lúc ấy và hiệu quả kinh tế cây bưởi đem lại những năm qua, Hòn Lau có 90 hộ dân thì 70 hộ dân trồng bưởi, cải thiện kinh tế từ chính những mảnh vườn của mình. Có nhà trồng nhiều như hộ anh Lý Văn Đông trồng 200 gốc bưởi; Trần Văn Thêm có 200 gốc; Lý Văn Thông có 500 gốc… Nguồn thu nhập từ cây ăn quả mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá rõ nét. Điển hình như gia đình chị Bàn Thị Hà, mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng, từ trồng bưởi chị đã có vốn mua thêm 10 con trâu, dựng căn nhà sàn khang trang.
Về Hòn Lau hôm nay, những con đường đất đã được mở rộng và đổ bê tông chạy khắp các ngõ, ô tô gầm thấp ra, vào thoải mái với chiều dài trên 4 km. Nhà văn hóa tổ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng năm 2019 khang trang. Tổ trưởng Thanh bảo, người Dao ở đây coi nhau như anh em nên có công việc gì đều bảo nhau làm. Ví như làm đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” có hộ chưa có tiền còn đi vay tiền về góp làm đường; người dân đều tự nguyện hiến nếu đường vào đất của hộ gia đình. Vậy nên chỉ có 90 hộ dân mà Hòn Lau làm trên 4 km đường bê tông thuận lợi. Đất xây dựng nhà văn hóa tổ cũng thế, khi xã hỗ trợ theo Chương trình 135 xây dựng, 2 hộ dân trong thôn đã hiến trên 400 m2 đất của gia đình để làm. Nay người dân hiến đất, góp công, góp của, mở rộng khuôn viên, xây dựng khán đài làm nơi tổ chức các hoạt động tập thể và lễ hội cộng đồng của dân tộc Dao.
Trong 8 năm qua, Trưởng thôn Lý Văn Thanh thường xuyên phối hợp cùng các cấp, các ngành “Đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới gắn liền với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Người Dao ở Hòn Lau chủ động phát triển kinh tế, từ trồng rừng, trồng cây ăn quả đến chăn nuôi trâu, bò, lợn và cá. Chị Trần Thị Tâm, đang chăm sóc con bò chuẩn bị đẻ cho hay, gia đình chị nuôi bò sinh sản 5 năm, hiện nuôi 3 con và chuẩn bị có con bê nữa là 4. Nuôi bò thì không giàu ngay nhưng nó cũng như của để dành vậy, khi gia đình cần tiêu món tiền gì có bò để bán. Bên cạnh đó, gia đình chị trồng rừng, chăn nuôi thêm dê, lợn. Chị Tâm bảo, nhà nào ở đây cũng thế cả, chăn nuôi và làm thêm các nghề phụ. Có sự thay đổi này cũng nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền, các ngành, đoàn thể, giúp người Dao thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng; đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Hội nông dân các cấp và Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất.
Từ thôn nghèo nhất xã Thắng Quân, giờ đây Hòn Lau như “khoác áo mới” bởi sự chịu thương, chịu khó của người dân trong làm kinh tế; sự nhiệt tình, tâm huyết của những người đứng đầu như anh Minh, anh Thanh và cả những chính sách, nguồn vốn ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Thanh cho biết, giờ trong bản đã có cháu học đại học, cao đẳng, hay những con đường đã được trải bê tông vào tận nhà người dân, đó là những điều mà trước kia không ai ở Hòn Lau dám nghĩ đến.
Phạm Hưng