Nông dân huyện Quảng Ninh trồng rau theo hướng hữu cơ
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2022 định hướng đến năm 2030”, những năm qua, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 12/14 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; 4 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên đất lúa một vụ kém hiệu quả, đất hoang hóa, lầy thụt, đất vùng gò đồi, vùng cát ven biển... là chủ trương lớn được huyện ưu tiên hàng đầu.
Đồng chí Phạm Trung Đông, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, huyện đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng theo hướng bền vững. Trên cơ sở duy trì ổn định diện tích, năng suất và sản lượng lương thực, huyện chú trọng phương án chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Thành công từ công tác dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất thâm canh, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa 5.460 ha đất nông nghiệp.
Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND huyện cũng tạo điều kiện để các hộ nông dân liên kết thành vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Như các vùng nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 760 ha, trong đó có 150 ha nuôi mặn lợ, 600 ha cá - lúa và 10 ha nuôi hàu và bảo vệ khai thác hàu tự nhiên. Chăn nuôi được phát triển theo hướng trang trại tập trung đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường...”.
Xác định việc hợp tác, liên kết là khâu quan trọng nhằm giúp người nông dân trong giải quyết đầu ra của sản phẩm, huyện đã có nhiều giải pháp và chính sách khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, ngô, các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được chuỗi liên kết giá trị nông sản, thương hiệu sản phẩm. Một số sản phẩm tiêu biểu như gạo Vĩnh Tuy, Vĩnh Ninh; ngô nếp Hiền Ninh; dưa hấu xã Hàm Ninh; mật ong xã Trường Xuân; khoai gieo xã Hải Ninh; rau sạch xã Võ Ninh. Ngoài ra, huyện cũng tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay,toàn huyện đã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Là địa phương có hơn 60% lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tích cực lồng ghép chương trình, dự án, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khuyến khích, tìm đầu ra cho sản phẩm; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với những tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại, có các điều kiện tiếp cận với đô thị.
Bắc Hà