00:00 Số lượt truy cập: 2989952

Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ 

Được đăng : 16/11/2020
Gặp lão nông Trần Ngọc Hòa (Tổ dân phố Măng Line, Phường 7, TP. Đà Lạt) với vẻ bên ngoài giản dị, chất phác, ít ai nghĩ rằng mỗi năm ông có doanh thu gần chục tỷ đồng nhờ vào việc trồng hoa cúc.

pa3

Ông Hòa tại vườn cúc của gia đình

 

          Ở cái tuổi gần 70, nhìn ông vẫn vô cùng nhanh nhẹn và tháo vát. Kể về hành trình lập nghiệp tại mảnh đất này, ông bồi hồi nhớ lại. Rời quân ngũ, năm 1998 ông một mình từ Thái Bình tìm tới TP. Đà Lạt, bắt đầu hành trình mưu sinh bằng công việc đi làm thuê cho các nhà vườn chuyên trồng hoa cúc. Nhận thấy Đà Lạt là một miền đất mến người, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, năm 2000 ông về quê, đưa cả vợ con, tất cả 7 miệng ăn vào Đà Lạt lập nghiệp. Thời điểm đó, gia đình cả 7 người thường xuyên làm cho các nhà vườn trồng hoa cúc tại phường 8. Ngoài ra, gia đình ông còn thuê đất để trồng rau, trồng hoa tăng thêm thu nhập. Chính khoảng thời gian đi làm thuê, ông đã tích lũy được cho mình những kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc hoa cúc.

Cũng trong năm này, tình cờ ông đã biết đến vùng đất Măng Line. Thời điểm đó, tại Măng Line dân cư còn rất ít, những rặng cây thầu dầu vẫn còn dày đặc, mọc dọc theo các con đường đất bụi mù. Ông cùng vợ con đã quyết định chọn mảnh đất này là nơi lập nghiệp. Cũng nhờ nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản, đến kinh nghiệm trồng hoa từ trước mà ông Hòa đã nhanh chóng gây dựng cơ nghiệp của mình. Với 5.000m2 đất, đến nay sau 20 năm, qua quá trình tích lũy, sự đồng thuận của cả gia đình, ông đã mua được 5 ha đất tại Đa Phú và Măng Line. Toàn bộ diện tích đất này được gia đình ông làm nhà kính trồng hoa cúc công nghệ cao hiện đại và bền vững, cho doanh thu mỗi năm lên đến 1,5 tỷ đồng/ha. Song song với việc trồng hoa cúc, ông cùng con trai là anh Trần Ngọc Hậu tự nhân giống hoa cúc sạch bệnh để cung cấp cho các hộ dân trong địa phương. Trung bình, mỗi tháng, anh Hậu cùng bố cung cấp cho người dân khoảng 2 triệu cây hoa cúc giống các loại.

Với tầm nhìn của mình, ông đã nhận thấy nếu không chấn chỉnh lại quy trình sản xuất, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không quan tâm tới tình trạng chung về môi trường, nguồn nước cũng như quản lí dịch bệnh, ai có cách làm hay, bí quyết trồng hoa giỏi mà giữ riêng cho mình thì việc trồng hoa sẽ thiếu tính bền vững. Bởi vậy, sau một thời gian vận động, từ năm 2012 ông Hòa cùng một số nông dân trong Tổ dân phố đã thành lập Hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc hoa cúc Măng Line, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến sản xuất bền vững. Đến năm 2019, Hội nghề được đổi tên thành Tổ hợp tác trồng hoa cúc theo hướng công nghệ cao do ông Hòa làm Tổ trưởng. Hiện Tổ hợp tác đã thu hút 134 hộ nông dân tham gia với diện tích trồng hoa lên đến 60 ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động. 

Trong quá trình trồng hoa, ông Hoà luôn tự tìm tòi, nghiên cứu những bài thuốc nhằm hạn chế tối đa nhất dịch bệnh trên hoa cúc. Từ đó, chất lượng hoa cũng được nâng cao, thiệt hại do dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều...Theo kinh nghiệm của ông, đối với những loại thuốc mua từ các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật về sử dụng, nên tiến hành thử thuốc trên 1 diện tích nhỏ. Sau khi phun một tuần, nếu thấy hoa phát triển bình thường hoặc có hiệu quả trong điều trị dịch bệnh thì sẽ sử dụng để phun đại trà.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông còn giúp đỡ nhiều người từ Thái Bình vào làm ăn. Đối với những người có vốn thì ông giúp đỡ tìm đất để thuê trồng hoa, đứng ra nhận nợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với các đại lý. Những người còn khó khăn thì ông tạo điều kiện để làm việc ngay trong những khu nhà kính của gia đình mình. Đến nay, đã có hơn 60 hộ gia đình được ông Hòa hướng dẫn vào Đà Lạt lập nghiệp, làm ăn, sinh sống. Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, người lính cụ Hồ năm nào nay đã thành công trên “mặt trận” làm kinh tế, nhiều năm liền ông được vinh danh là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.  

Linh Đan