00:00 Số lượt truy cập: 2914351

Tập huấn kỹ năng truyền thông “ Viết câu chuyện thay đổi và kỹ thuật chụp ảnh, ghi hình” cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân 

Được đăng : 23/08/2024

 

z575329382465266327176280c745cac7a44802110af38

 Học viên thực hành viết câu chuyện về sự thay đổi với chị Châu Thị Nương - thành viên tổ nhóm của Dự án, phó giám đốc HTX nông nghiệp Tà Đảnh.

 

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam (Dự án ASXH), tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng tổ chức tập huấn về “Kỹ năng truyền thông: Viết câu chuyện thay đổi và kỹ thuật chụp ảnh, ghi hình” dành cho đối tượng cán bộ Hội Nông dân, những đại diện tổ nhóm/ HTX tham gia thực hiện trực tiếp/ đầu mối tại địa phương – người hỗ trợ công tác truyền thông/ chụp ảnh các hoạt động của dự án/ hỗ trợ giám sát thực hiện các mô hình sinh kế của dự án.

Với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân, trong đó có nữ nông dân, nữ lao động thời vụ; nhằm giúp các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế, sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam”. Dự án được triển khai thực hiện từ 2022 đến 2026 tại 5 tỉnh, gồm: Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án đến năm 2026 có 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao năng lực để tiếp cận việc làm, sinh kế bền vững và an sinh xã hội đầy đủ, góp phần nâng cao bình đẳng giới. Các hoạt động thông qua hỗ trợ 80 THT, HTX, tổ nhóm, chi tổ hội nghề nghiệp về tôm, lúa tại tại 5 tỉnh trên.


Các học viên tập trung nghe giảng viên chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh tại lớp tập huấn ở Sóc Trăng

02 khóa tập huấn được diễn ra với thời gian 2 ngày/khóa: Ngày 25-26/7/2024 tổ chức tại Sóc trăng cho 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu với 34 học viên; 20-21/8/2024 tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho 34 học viên 2 tỉnh An Giang và Cà Mau. Mục tiêu sau khóa tập huấn, các học viên sẽ: Nắm được những nguyên tắc cơ bản trong truyền thông và chụp ảnh đáp ứng yêu cầu của Dự án ASXH, đặc biệt là hỗ trợ cho nữ nông dân và nữ lao động thời vụ nông nghiệp; Được trang bị kiến thức và kỹ năng viết câu chuyện về sự thay đổi phục vụ công tác viết báo cáo giám sát, đánh giá và học hỏi của Dự án; Được trang bị kỹ thuật chụp hình sử dụng thiết bị chụp, ghi hình đơn giản như máy ảnh, điện thoại thông minh để ghi hình về hoạt động của Dự án - phục vụ cho hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin và báo cáo của dự án và cao hơn nữa là có thể viết tin, bài phản ánh, viết câu chuyện về những gương nông dân sản xuất giỏi, điển hình tiên tiến, gương vượt khó làm giàu... trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đồng thời, các học viên được chuyên gia giới thiệu về quy định về hình ảnh, quyền và trách nhiệm của người sử dụng hình ảnh của truyền thông nói chung và những quy định trong việc chụp và sử dụng ảnh Dự án nói riêng, được truyền đạt kỹ thuật chụp ảnh, ghi hình cơ bản với các máy ảnh đơn giản bao gồm cả điện thoại thông minh. Để có một tấm hình, một đoạn clip đẹp, sử dụng được, ngoài lý thuyết cơ bản cũng rất cần kinh nghiệm thực tế của chuyên gia là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Nội dung “Viết câu chuyện về sự thay đổi” cũng thu hút được sự quan tâm và sự tham gia hào hứng của các học viên.

Trong quá trình tập huấn, các học viên được tham gia thực địa, trải nghiệm tại Cơ sở chế biến tôm khô, bột tôm của hộ gia đình chị Huỳnh Thị Ly, ấp Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; Cơ sở trồng nấm của Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (Ấp Tân Bình, Xã Tà Đảnh, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang). Đây là cơ sở trồng các loại nấm (nấm mối, linh chi, nấm rơm, đông trùng hạ thảo...) từ phế phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là rơm rạ sau trồng lúa của chị Châu Thị Nương, thành viên tổ nhóm tham gia Dự án.

 

Ánh Dương.