Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (Ảnh ST)
Là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Với vị trí quan trọng đó, trong phát triển kinh tế-xã hội, một trong những chương trình mục tiêu được tỉnh chú trọng thực hiện là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vươn lên từ xuất phát điểm thấp, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho miền quê Tây Ninh bước chuyển mới ở vùng nông thôn, góp phần đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá của Đông Nam Bộ và cả nước.
Nhận thức được rằng, mục tiêu cao nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ thuận lợi và khó khăn của từng địa phương. Từ đó, địa phương có lộ trình thực hiện, tập trung vào những tiêu chí mang tính đòn bẩy, tạo diện mạo, bước chuyển căn bản của các vùng nông thôn.
Nhất quán quan điểm sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công, tỉnh đã tập trung khâu tuyên truyền, tạo sự thống nhất và vào cuộc đồng bộ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc điểm từng địa phương, các cấp, ngành, địa phương phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt của đoàn thể, cuộc họp Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở, các cuộc tiếp xúc cử tri, phát huy cao nhất vai trò của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.
Bước vào giai đoạn mới, năm 2021-2025, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn nông thôn mới của giai đoạn giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thì để thực hiện những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp đất đai và thống nhất chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các công ty nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, Tây Ninh đã chuyển đổi hơn 36.200 ha đất cho năng suất thấp từ các cây trồng như lúa, cao su, mía sang các loại cây ăn quả, sắn… phù hợp thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Tỉnh đã ban hành các chính sách như chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản. Đến nay, tỉnh đã có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 181.000ha, trên 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1ha đất trồng trọt ở Tây Ninh tăng qua từng năm, góp phần đáng kể trong cải thiện đời sống, nâng mức thu nhập cho người dân nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, từ đặc điểm cụ thể của địa phương và nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tây Ninh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân, có kiến trúc phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát huy kết quả đạt được, Tây Ninh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị./.
Đường nông thôn được nâng cấp khang trang ở Tây Ninh (Ảnh ST)
Hà Anh