Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Tuy Lai, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà đã mạnh dạn đấu thầu và vay vốn đầu tư cải tạo 5ha đất để xây dựng trang trại, thường xuyên nuôi gần 2 vạn con gà thịt, trồng 7.000 cây cam, chanh đặc sản (trong đó 5.000 cây cam đường canh, 1.000 cây cam Vinh và 1.000 cây chanh đào) cùng 5 mẫu ao nuôi cá. Năm 2015 thu hơn 21 tỷ đồng (trong đó chăn nuôi 16,4 tỷ đồng, trồng trọt gần 5 tỷ đồng), trừ mọi chi phí còn lãi gần 1,3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Chỉ với 500m2 lán trại nhưng ông Vũ Xuân Thọ, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương vẫn có thể nuôi 1.000 con thỏ mỗi lứa. Các ô chuồng nuôi thỏ xếp san sát nhau, không tốn diện tích nuôi trong khi đó thỏ dễ nuôi, dễ chăm sóc, sinh sản nhanh, đầu tư chi phí ít mà đầu ra ổn định. Mỗi năm ông Thọ quay vòng nuôi 6 lứa thỏ, cung ứng cho thị trường khoảng 6.000 con thỏ thịt, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hiện ông đang mở rộng quy mô nuôi thỏ thịt và quy hoạch chuồng nuôi gà để tận dụng nguồn phân nuôi giun quế nhằm nâng cao thu nhập, phấn đấu thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Anh Lê Ngọc Huê, thôn Bồ Trang 3, xã Quỳnh Hoa huyện Quỳnh Phụ lại nổi tiếng với mô hình trồng, chế biến cây dược liệu. Từ năm 2013, anh Huê xin địa phương cho đấu thầu 8ha và vận động các hộ nông dân tích tụ ruộng đất cho anh thuê 12ha để trồng cây dược liệu gồm: đinh lăng, cà gai leo, ngâu, thìa canh, chùm ngây, hoàn ngọc. Toàn bộ sản lượng cây dược liệu được anh sơ chế và sản xuất trà thảo dược mang thương hiệu Thái Hưng. Hiện nay, công suất tiêu thụ của cơ sở sản xuất đạt 150 tấn nguyên liệu/năm, cho ra thị trường khoảng 3 triệu hộp trà các loại, thu về hơn 10 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi gần 3 tỷ đồng/năm./.
BBT