00:00 Số lượt truy cập: 2987752

Thái Bình: phát triển khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 29/07/2021
Để bắt nhịp thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã và đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, coi đó là đòn bẩy tạo bước đột phá góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

th1 

Tập đoàn TH khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình 

Để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả. Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc tính sinh thái của từng loại cây để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thông qua ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, bảo quản và chế biến… để tạo ra được nông sản có năng suất, chất lượng tốt, tươi sạch an toàn, người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận được sản phẩm tốt, sản phẩm sạch với giá cả tốt hơn.

Tỉnh đã đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng rộng rãi các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tỷ lệ giống mới đưa vào sản xuất tăng cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như: Giống lúa DT80, Đài Thơm 8, các giống cây rau màu mới… Trong lĩnh vực thủy sản, đã xây dựng mô hình xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, nuôi thủy hải sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng Vietgap nhằm khôi phục giống gà quý hiếm của vùng đất An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ. Xây dựng mô hình khuyến nông “Chăn nuôi vịt thịt thương phẩm giống cao sản SHST53 an toàn sinh học theo chuỗi liên kết” với quy mô 10.800 con….

Nhằm góp phần tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai 11 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi và 208 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, 12 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực có số dự án và nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai nhiều nhất. Năm 2019 đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846) tại Thái Bình” đạt giải ba hội thi sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII - năm 2019. Các đề tài/dự án đã thực hiện hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng hoa ứng dụng  giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet để quản lý tưới cho 3.500 chậu hoa dạ yến thảo rủ và cúc mâm xôi được trồng trong nhà lưới, có mái che nilon ở TP Thái Bình. Thông qua bộ cảm biến, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... liên tục được cập nhật, từ đó phản ánh tới điện thoại thông minh để phân tích, xử lý số liệu, tự động điều chỉnh lượng nước tưới.... Đối với vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, mô hình ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy từ 16 máy ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm máy cấy, góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động ở nông thôn.

Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đội ngũ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đồng thời, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng ra thị trường, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Thái Bình cũng đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu vận chuyển, truy xuất nguồn gốc nông sản, quảng bá thông tin sản phẩm, đăng ký nhãn mãc, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Từ những hoạt động trên, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung với cùng loại sản phẩm, có quy mô hàng trăm ha/vùng.Cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh chuyển đổi 3.526 ha từ diện tích lúa sang cây hàng năm khác có giá trị cao hơn so với trồng lúa từ 2 - 3 lần. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn tỉnh đã có 828 trang trại chăn nuôi và trên 7.200 gia trại; có 4 doanh nghiệp đang thực hiện liên kết hợp tác với gần 30 chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai dịch bệnh khó lường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động nắm bắt tình hình, tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất với nhiều kết quả đáng ghi nhận: Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành năm 2020 ước đạt 27.703 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2019, là ngành duy nhất đạt và vượt kế hoạch được giao.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, sinh thái, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, gắn với du lịch; nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng, năng suất sản phẩm, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và nước ngoài…Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 30.639 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 2%/năm trở lên; trong đó trồng trọt đạt 0,6%/năm, chăn nuôi 2%/năm, thủy sản 5%/năm trở lên. Có 20% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Thùy Dung