00:00 Số lượt truy cập: 3041424

Thái Bình: Vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới 

Được đăng : 21/06/2023

 

Trong suốt các thời kỳ cách mạng của đất nước, Đảng ta đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân và đã giành thắng lợi các cuộc cách mạng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, các tầng lớp nhân dân trong đó giai cấp nông dân vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với Thái Bình, vai trò chủ thể của người nông dân càng được thể hiện rõ nét trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.

Thái Bình là tỉnh đất chật người đông, có diện tích 1.542,24 km², có 153.596 ha đất tự nhiên, 94.187 ha đất trồng trọt, trong đó gần 80.000 ha trồng lúa. Giai cấp nông dân Thái Bình đã đóng góp rất lớn về sức người sức của cho các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Thái Bình đã có hơn 50 vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa, hơn 52 nghìn người con đã anh dũng hy sinh; hơn 34 vạn người bị thương; gần 27 nghìn người mang di chứng chất độc hóa học;  có 5.400 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Điểm đặc sắc trong xây dựng nông thôn mới của Thái Bình là thực hiện việc dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do đặc điểm của Thái Bình: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít (bình quân khoảng 500m2/1 khẩu), manh mún (3,67 thửa/hộ), khó khăn cho việc canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nên Thái Bình đã xác định việc dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ mấu chốt nhất để phát triển nền sản xuất. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất vì nó động chạm đến quyền lợi của từng hộ gia đình. Nhưng với quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc truyên truyền, vận động của các đoàn thể, trong đó chủ chốt là Hội nông dân, nên các gia đình hội viên và nông dân đã  dân chủ bàn bạc, tự nguyện tiến hành dồn điền đổi thửa, không so bì thiệt hơn.

Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất đã bộc lộ hạn chế của việc sản xuất manh mún, đó là chi phí sản xuất cao, khó đưa máy móc vào sản xuất, không tạo ra một lượng hàng hóa lớn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy đòi hỏi phái tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp một lần nữa. Tỉnh ủy Thái Bình đã có chủ trương và các ban ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền vận động nông dân tích tụ ruông đất để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Nông dân Thái Bình đã tự nguyện cho mượn, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, liên kết với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất với diện tích lớn.

 va3

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Tiến Đức (Hưng Hà) sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel.

Điển hình như: Ông Dương Trọng Vĩnh, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh huyện Hưng Hà tích tụ 44 ha, cấy lúa chất lượng cao, tạo việc làm cho 13 lao động, lãi thu được 530 tr đ/ năm. Ông Nguyễn Duy Phiên, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương tích tụ 40 ha, sản xuất lúa hàng hóa, tạo việc làm cho 10 lao động, thu lãi 300 tr đ/năm; Ông Bùi Quang Hùng, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ tích tụ 22 ha, cấy lúa chất lượng cao, tạo việc làm cho 12 lao động, thu lãi 300 trđ/năm; Ông Lê Văn Bình, thôn Tân Minh, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy tích  tụ 18ha, cấy lúa hàng hóa, tạo việc làm cho 8 lao động, thu lãi 350 trđ/năm… và còn rất nhiều mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất hiệu quả khác.

Trong xây dựng Nông thôn mới của Thái Bình thì vai trò chủ thể của người nông dân càng thể hiện rõ nét. Trong xây dựng kết cấu hại tầng đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Nếu chỉ nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước thì không thể thực hiện được. Với cách làm những công trình lớn thì do ngân sách Tỉnh và địa phương thực hiện, còn những công trình giao thông thôn xóm, giao thông đồng ruộng nhà nước hỗ trợ xi măng người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để thực hiện. Với phương châm: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân được hưởng”, người dân các địa phương trong tỉnh ta dân chủ bàn bạc, tuyên truyền mọi gia đình đóng góp ngày công, tiền của và hiến đất để thực hiện các công trình. Nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi sự đóng góp của con em đang công tác ở các miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.

 va41

Đường giao thông nông thôn mới xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Với các nguồn lực đầu tư như trên toàn tỉnh đã cứng hóa 1.275 km kênh mương cấp 1 loại 3; xây dựng và nâng cấp 3.780 km đường giao thông nội đồng; 1.090 km đường trục xã; 1.910 km đường trục thôn; 3.192 km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 2.215 km đường ngõ xóm; 29 trạm bơm; 248 cống đập; đầu tư mới 23 trạm cấp nước sạch, nâng cấp và mở rộng phạm vi cấp nước 34 trạm cấp nước sạch; 207 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; 85 nhà văn hóa xã; 984 nhà văn hóa thôn; 125 sân thể thao xã; 130 sân thể thao thôn; 180 trạm y tế; 137 chợ nông thôn; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn; 247 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 21 nghĩa trang được quy hoạch và xây dựng mới; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 6.100 nhà ở cho người có công, người nghèo.

Đến nay, tỉnh Thái Bình có 100% số xã, 100% số huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt 11/11 tiêu chí của xã Nông thôn mới nâng cao. Kết quả đạt được đã vượt chỉ tiêu các Nghị quyết của tỉnh đề ra, cũng như chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Thái Bình thực hiện đến năm 2030.

                                                                                             V. Anh