Ảnh: chị Trâm bên vườn dưa leo baby được trồng trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt
Nhớ về hành trình bén duyên với “nghề nông”, chị cho hay, vốn quê ở Nam Định, chị tốt nghiệp đại học rồi lập gia đình và sinh sống ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây vốn là vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhưng đa số nông dân, trong đó có cả bố mẹ chồng chị đều sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế không cao. Thường xuyên chứng kiến bố mẹ chồng rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chị đã nung nấu những ý định đột phá từ đó. Và năm 2012 ghi dấu quyết định rẽ ngang của chị, từ bỏ công việc văn phòng ổn định để chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp. Lúc bấy giờ chỉ duy nhất có chồng của chị là anh Nguyễn Đình Hải, kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ủng hộ quyết định của vợ.
Sau nhiều lần khảo sát, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp, chị nhận thấy măng tây xanh là loại cây mới nhưng có nhiều tiềm năng, không chỉ có nhiều dinh dưỡng, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe mà còn có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cây măng tây còn khá xa lạ với bà con ngoài Bắc. Nhờ sự giúp đỡ của người quen, chị đã liên hệ với một công ty cung cấp giống măng tây từ bên Mỹ để nhập một vài giống về trồng thử. Nhờ có sự giúp đỡ của chồng, anh chị đã tìm ra một giống măng tây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của miền Bắc. Chị cho hay, kỹ thuật trồng măng tây không quá khó, nhưng để mang lại năng suất kinh tế cao nhất thì phải tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật khoa học.
Trồng thành công đã khó, đi tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cũng vất vả chẳng kém. Là loại rau mới, giá cả lại cao nên thường người mua chỉ đặt vài cân, chị Trâm vẫn giao hàng đến tận nơi, nhiều khi còn phải bù lỗ. Tuy vất vả, nhưng nhờ việc trồng và tiêu thụ măng tây đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình chị. Thừa thắng xông lên, anh chị tiến hành ươm giống, bán cho bà con nông dân quanh vùng, rồi cam kết thu mua sản phẩm đem đi tiêu thụ. Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong do chị làm Giám đốc cũng được thành lập với mục tiêu ban đầu là cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các hộ gia đình, trang trại.
Năm 2015, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong là đơn vị đầu tiên của huyện Lương Tài được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng tây xanh và cà rốt.Các sản phẩm của công ty đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Big C, Fivimart …
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường nông sản sạch, an toàn, chị đã mạnh dạn thuê thêm 5ha đất công ích của xã để cải tạo, đầu tư trồng các loại rau màu. Ban đầu, công ty tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như: xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp và các loại củ. Năm 2019, chị đầu tư xây dựng 1,3ha nhà màng và 0,7ha nhà kính, trang bị hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các thiết bị như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, …Đến nay, công ty đã có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh.
Đầu năm 2021, chị Trâm đã mở rộng vùng sản xuất 10ha tại huyện miền núi Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chuyên trồng các loại rau trái vụ như bắp cải, cải thảo… mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, lựa chọn các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao để trồng trong nhà màng, nhà lưới và trồng trái vụ, mỗi năm, công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong đã tạo ra doanh thu từ 14 đến18 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lợi từ 2,5 đến 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 80 đến 100 lao động với thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/tháng.
Với nhiều thành tích xuất sắc, chị hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023. Năm 2021, chị là một trong 57 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Với ý chí và quyết tâm, tấm gương của chị có tác động lan tỏa, khích lệ, động viên các hội viên nông dân khác học tập và làm theo, nhất là trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào trong quá trình canh tác, sản xuất.
Phương Anh