Thành công từ mô hình nuôi ngựa bạch
Được đăng : 20/08/2021
Anh Quân chia sẻ kinh nghiệm nuôi ngựa bạch
Thôn Trần Xá, Xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vốn là nơi tập trung chủ yếu số lượng đại gia súc chăn nuôi tập trung của toàn huyện với số lượng lên đến vài 600- 700 con. Là khu vực đi đầu thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung, ở đây không chỉ chăn nuôi trâu, bò mà còn có rất nhiều gia đình chăn nuôi ngựa thả đàn, trong đó, việc nuôi và vỗ béo ngựa bạch đang thu hút được nhiều hộ chuyển hướng theo. Với ưu điểm như dễ nuôi, sức đề kháng cao, khả năng thu hồi vốn nhanh, đầu ra ổn định, nghề nuôi ngựa bạch đang ngày càng được nhiều hộ nuôi trong xã lựa chọn và trở thành “điểm sáng” trong công tác phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Nhận thấy hiện nay, nhu cầu về ngựa bạch trên thị trường là rất lớn, người dân miền xuôi, vùng đồng bằng phải lặn lội về khu vực miền núi vùng cao, vùng sâu để săn tìm những chú ngựa bạch đưa về giết thịt để nấu cao phục vụ nhu cầu sức khỏe. Việc tìm mua được ngựa bạch chất lượng đã khó, việc vận chuyển về xuôi lại càng gặp nhiều khó khăn, mà ngựa bạch thì cũng chỉ là dòng gia súc ăn cỏ như con trâu con bò, tại sao lại không thể nuôi và phát triển đàn ngay tại những bãi cỏ của xã mình. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Trần Văn Quân quyết định sẽ nuôi ngựa bạch để phát triển kinh tế gia đình.
Nghĩ là làm, năm 2017 anh lặn lội tìm mua được một cặp ngựa giống về muôi thử nghiệm cùng đàn trâu bò của gia đình. Là người đi đầu trong việc nuôi và phát triển đàn ngựa bạch, Anh Trần Văn Quân gặp rất nhiều khó khăn ngay từ những ngày đầu tiên. Vấn đề ngựa giống, vấn đề sinh trưởng và tập tính sinh hoạt của chúng anh chưa hề nắm được. Vừa làm vừa tìm hiểu, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế cho bản thân. Anh Quân tự mày mò nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi và phòng trị dịch bệnh trên đàn ngựa; những đặc tính của riêng ngựa bạch. Anh cũng tìm đến mô hình chăn nuôi ngựa bạch thành công ở Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm.
Khi đã giải quyết được vấn đề kỹ thuật chăm sóc, vừa làm vừa học, từ ban đầu 2 con giống anh mạnh dạn nhập thêm tăng đàn, chỉ 4 năm sau đàn ngựa bạch gia đình anh đã có tới hơn 30 con.
Đam mê với những chú ngựa bạch, sau nhiều năm gây dựng đàn ngựa bạch của gia đình, với anh Quân, để nuôi và phát triển đàn ngựa bach một cách tốt nhất thì việc chọn giống đóng một vai trò quan trọng; phải phân biệt được ngựa bạch với ngựa kim (ngựa trắng), nếu con ngựa có lông màu trắng nhưng da, môi và móng vẫn màu đen thì đó chỉ là ngựa kim, giá trị không cao. Một con ngựa bạch tốt và chuẩn phải có mắt thau đồng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa, bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc.
Việc chăn thả đang theo hướng tập trung tận dụng cánh đồng cỏ thôn quê, nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu chi phí thức ăn cho đàn ngựa. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đàn ngựa, gia đình anh còn trồng thêm cỏ voi và chuối. Anh cũng bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa bằng thức ăn tinh như hạt ngô, cám gạo.
Ngựa bạch là giòng có sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, tuy nhiên để ngựa nhanh lớn thì khi mua giống về cần tiêm phòng bệnh, tiến hành tẩy giun sán, sau khoảng 4 – 5 tháng cần tẩy tiếp lần hai, đồng thời phải giữ vệ sinh chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ. Trong qua trình nuôi cần theo dõi thường xuyên để phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn ngựa để kịp thời can thiệp.
Ngựa bạch thuộc dòng ngựa quý hiếm nên vấn đề tiêu thụ người nuôi không cần phải quá lo lắng. Khi biết được địa chỉ chăn nuôi, thương lái sẽ tìm đến tận nhà để dặt vấn đề mua. Anh Quân cho biết: “Ngoài dùng xương để nấu cao, thịt ngựa bạch còn là thực phẩm có giá trị dược liệu trong phòng trị một số bệnh và có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên giá bán thịt ngựa bạch cao, trung bình từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Cứ mỗi một năm rưỡi, một chú ngựa bạch cái lại cho ra đời một ngựa bạch con có giá trị rất cao. Giá ngựa bạch giống từ 4 – 5 tháng tuổi dao động trong khoảng khoảng 25 - 27 triệu đồng/con đực, từ 30 – 35 triệu đồng/con cái, ngựa thương phẩm từ 65 – 70 triệu đồng/con, so với giống ngựa bình thường thì ngựa bạch thương phẩm thường bán được giá cao gấp đôi. Trong một năm gia đình thường duy trì xuất chuồng từ 10 – 12 con ngựa bạch, sau khi trừ tiền giống, thuốc vắc-xin tiêm phòng và thức ăn (chủ yếu tiền mua cám gạo và bột ngô), thì còn lãi từ 250 – 270 triệu đồng mỗi năm”.
“Buôn có bạn, bán có phường”, thấy gia đình anh Quân nuôi làm giàu được từ ngựa bạch ngay trên những cánh đồng cỏ quê nhà, nhiều hộ dân đã học và làm theo. Không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm, những bí kíp riêng về ngựa bạch, anh Quân còn giúp đỡ bà con xung quanh khu vực ứng trước con giống nếu hộ dân nào có nhu cầu phát triển đàn ngựa bạch, sau đó giúp bà con bao tiêu sản phẩm. Thành công của gia đình anh Quân đang truyền cảm hứng cho các hộ dân xung quanh thực hiện mô hình nuôi ngựa bạch theo hướng gia trại, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Ánh Dương