Xuất thân từ nghề nông, anh Nguyễn Ngọc Sáng ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quangluôn ấp ủ giấc mơ vừa phát triển kinh tế gia đình vừa mang lại giá trị ngay trên mảnh đất quê hương. Đất Đông Thọ quê anh nhiều người nuôi lợn nhưng quy mô chưa lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế. Anh Sáng chợt nghĩ đến việc sẽ nuôi lợn theo cách khoa học và xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
Nghĩ là làm, năm 2014, Anh đi khắp nơi tham quan, học hỏi cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi đã tìm hiểu nắm vững được quy trình, kỹ thuật về xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Sáng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo phương án gồm chuồng trại, kho, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật. Khởi đầu, anh nhập 160 con lợn nái siêu nạc hậu bị để tự sản xuất con giống đảm bảo chất lượng. Bao tâm sức dồn vào để nuôi lợn nhưng không ai ngờ vừa được một lứa xuất chuồng hòa vốn thì lứa sau lỗ quá nửa. Một năm sau thành lập trang trại thì giá lợn hơi lao dốc. Thời điểm giữa năm 2017, bán xong lứa lợn lỗ hơn nửa tỷ đồng. Anh Sáng tâm sự: "Làm nông nghiệp không hề đơn giản, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Những thất bại liên tiếp khiến tôi quyết tâm đầu tư vào an toàn sinh học và xây dựng chuỗi liên kết để có thêm sức mạnh ứng phó với biến động thị trường".
Với dự định nuôi lợn khoa học theo hướng bền vững và xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch, anh bắt đầu học hỏi cách xây dựng chuồng trại, nghiên cứu sản phẩm chăn nuôi với chất lượng khác biệt để chinh phục nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.Sau một thời gian chăn nuôi anh nhận thấy việc phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại còn nhiều hạn chế, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa liên kết được để cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra trong chăn nuôi, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của Hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời nhằm khắc phục những khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi nông hộ, năm 2018 anh Nguyễn Ngọc Sáng đã vận động các hộ gia đình chăn nuôi lợn thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (HTX). HTX được thành lập với hoạt động, dịch vụ chủ yếu là chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền.
Cửa hàng nông sản xanh Sáng Nhung - Địa chỉ yêu thích của người tiêu dùng tại Tuyên Quang
Lợn được nuôi khép kín đạt chuẩn VietGap, quy trình chăn nuôi luôn bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các khâu sản xuất đều được kiểm soát và truy xuất đảm bảo an toàn từ nguồn thức ăn, nước uống, người ra vào trại, vận chuyển hàng, xuất bán lợn... Lợn được chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt tiêu chuẩn 3F quốc tế tiên tiến nhất được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay. Đó là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản “Feed – Farm – Food”. Với quy mô chăn nuôi hiện nay với gần 200 con lợn nái và trên 2.000 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường trên 20 tấn lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học. Sản phẩm Thịt lợn sạch Sáng Nhung đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu năm 2020.
Không dừng lại ở đó, từ tháng 4 năm 2021, Hợp tác xã đã nghiên cứu đưa thảo dược vào phối trộn thức ăn chăn nuôi lợn. Lợn được nuôi dưỡng từ nguồn thức ăn chất lượng cao và được phối trộn với một số thảo dược từ thiên nhiên như đinh lăng, cỏ nhọ nồi, cát sâm, quế, hồi, cà gai leo, kim ngân, hành, tỏi… đã tạo nên đặc trưng của sản phẩm Thịt lợn thảo dược rất săn chắc, thơm ngon và rất bổ dưỡng. Tham quan khu chuồng trại nuôi lợn thương phẩm bằng thảo dược mới cảm nhận được sự thay đổi "ngoạn ngục" từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi an toàn sinh học. Cả khu chuồng trên 2.000 con lợn nhưng không hề có mùi hôi, thối mà thay vào nó là mùi thơm thoang thoảng của quế, hồi, sâm, đỗ tương, ngô, cùi gạo rang. Từ mô hình chăn nuôi khép kín Hợp tác xã đã từng bước xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường, nhằm đem đến cho người tiêu dùng thịt lợn chất lượng cao với cam kết "sạch từ trang trại đến bàn ăn". Đến nay, sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đã đạt chuẩn OCOP 4 sao; 15 sản phẩm chế biến từ thịt lợn như lạp xưởng, giò, chả, xúc xích, ruốc,… cũng đạt OCOP từ 3 - 4 sao. Đồng thời, để chủ động về đầu ra, Hợp tác xã tiếp tục mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng nông sản xanh và đa dạng các sản phẩm. Theo đó, Hợp tác xã hiện đã xây dựng một hệ thống bao gồm 2 đại lý phân phối và bán lẻ thực phẩm sạch mang tên Nông sản xanh Sáng Nhung ở thành phố Tuyên Quang. Tại đây có hơn 4.000 mã sản phẩm được bày bán, trong đó bao gồm các mặt hàng do Hợp tác xã sản xuất từ thịt lợn thảo dược với mong muốn đưa các sản phẩm “xanh, sạch, an toàn” đến tay người tiêu dùng.
Tính chung quy mô hoạt động các lĩnh vực liên quan, Hợp tác xã hiện đang vận hành nhà máy chế biến với 16,7 ha và tổng diện tích chuồng trại chăn nuôi tập trung đại đàn gia súc, gia cầm với hơn 20 ha. Với quy mô khép kín cùng định hướng hiện đại, mỗi năm, chuỗi sản xuất của Hợp tác xã Sáng Nhung ghi nhận doanh thu từ 60 - 70 tỷ đồng. Đồng thời, Hợp tác xã đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương qua nhiều đầu việc ở các lĩnh vực. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên đạt trên 8,5 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ đạt trên 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Chăn nuôi lợn bằng thảo dược, đàn lợn của gia đình anh Sáng luôn phát triển khoẻ mạnh
Năm 2022, anh Nguyễn Ngọc Sáng, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đã vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt nam xuất sắc”; năm 2023, anh Sáng tiếp tục được tôn vinh là một trong số 10 công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang; Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung vinh dự là một trong 10 Hợp tác xã có doanh thu cao nhất cả nước về lĩnh vực chăn nuôi, cũng là hợp tác xã duy nhất của tỉnh Tuyên Quang có mô hình trang trại chăn nuôi khép kín đạt tiêu chuẩn 3F quốc tế tiên tiến được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay./.
Phùng Hà