00:00 Số lượt truy cập: 2987562

Thành phố Hồ Chí Minh: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp 

Được đăng : 24/08/2021
Với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) với quy mô sản xuất lớn, hiện đại, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển NNCNC theo hướng bền vững, phát triển không chạy theo số lượng hay diện tích canh tác mà chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo sản phẩm giá trị lớn.

mokarataiahtp

Mô hình trồng hoa lan Mokara tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh 

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp TPHCM tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành NNCNC, công nghệ sinh học, giúp năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của năm 2019 ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2020 vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, NNCNC và công nghệ sinh học. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020 là 5,82%/năm.... Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn TP.HCM đã tăng lên 2,72 lần.

TP.HCM hiện có hơn 3.500ha trồng rau, trong đó diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao là 43,9ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn. Nhiều mô hình sản xuất NNCNC, nông nghiệp đô thị với những cách làm mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị nông sản và tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu đã được thực hiện. Thành phố cũng đã hình thành Khu NNCNC, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả. Nhiều dự án nông nghiệp đã được triển khai thành công như: nghiên cứu sản xuất một số loại rau ăn lá trong hệ thống Plant Factory; ứng dụng hệ thống điều khiển tự động tích hợp với thiết bị di động để duy trì dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai dưa lưới F1 trong nhà màng; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo, bò sữa, gia cầm, nuôi tôm….

 Tuy đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của thành phố chưa tương xứng tiềm năng; chưa có sự gắn kết giữa nhà khoa học với đơn vị sản xuất; quỹ đất phát triển NNCNC ngày bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông; thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu…

Hướng đến một nền NNCNC với quy mô sản xuất lớn, hiện đại là một tất yếu. Lộ trình đến năm năm 2030, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 2 đến 2,5 lần so với giai đoạn 2010-2019; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 75-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; trên 70% hộ nông dân và hơn 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao; trên 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao…

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của TPHCM. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước. Phát triển nông nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền. …

Thùy Dung