Sinh năm 1986, chàng trai dân tộc Tày(thôn Cây tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lớn lên trong thời kỳ đất nước đổi mới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thay đổi cho nền kinh tế tập trung bao cấp, mô hình hợp tác xã được xóa bỏ, nông dân được khoán ruộng đất tự sản xuất phát triển kinh tế. Khắp các vùng thôn quê cả nước nói chung và vùng đất Yên Bình – Yên Bái nói riêng đâu đâu cũng là đói nghèo, quanh năm ruộng nương cũng chẳng đủ ăn, cái đói cái nghèo đu bám con người ta mọi lúc, mọi nơi.
Như nhiều thanh niên trai làng khác, đến tuổi trưởng thành, Hoàng Văn Liêm cũng theo dòng người khăn gói lên đường vào Miền Nam làm thuê làm mướn hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn. Bến dừng chân của chàng trai trẻ là một xưởng chế biến gỗ ở Bình Dương với mức lương cũng chỉ đủ ăn mà công việc lại vất vả, độc hại. Thấy tương lai còn mịt mù, anh lại khăn gói lên đường ra Bắc, trở về quê với hai bàn tay trắng cùng bao ấp ủ lo toan. Để có miếng cơm manh áo, ngày ngày anh Liêm lặn lội kiếm con tôm, con cá bằng nghề đánh bắt nơi lòng Hồ Thác Bà.
Tìm hiểu qua báo, đài, ti vi, qua mạng xã hội thấy rất nhiều người tự đi lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Anh nung nấu ý chí quyết tâm phải làm gì đó để thoát nghèo, để đi lên, không thể mãi dựa vào ưu thế của việc khai thác nguồn tài nguyên từ rừng, từ hồ đang dần cạn kiệt.
Nhận thấy với điều kiện địa phương đất rộng, rừng nhiều , điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp với việc chăn nuôi đại gia súc, anh đã quyết tâm chọn hướng đi cho riêng mình.
Ban đầu anh đi tìm mua những con trâu bò gầy yếu để về chăm sóc và vỗ béo, chỉ trong vòng vài tháng là được xuất bán, số tiền thu được anh lại quay vòng đầu để đầu tư. Chỉ trong vòng hơn 2 năm, anh đã tích lũy được số vốn kha khá. Năm 2009, Hoàng Văn Liêm đã rủ thêm anh em, bạn bè cùng thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp HTX Thiên An. Ngay từ những ngày mới thành lập HTX, các thành viên tập trung đi săn tìm khắp các tỉnh phía Bắc để tìm mua những con trâu bò gầy về để nuôi nhốt và chăm sóc vỗ béo.
Những con trâu bò gầy yếu do bà con vùng cao thường chăn nuôi thả rông, chăm sóc không được tốt, nhiều con do bị những bệnh đơn giản như bệnh giun sán, bệnh đường tiêu hóa không được chữa trị nên gày còi và chậm lớn. Những con trâu bò này đưa về nuôi tước tiên được thăm khám và trị bệnh. Sau đó được vỗ béo bằng những loại thức ăn giàu chất đạm như ủ cỏ lên men, bã bia, cám ngô...
Trong quá trình nuôi, anh cũng như các xã viên luôn tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch, tiêm vaccine. Trâu bò được phun sương tắm mát trong những ngày nắng nóng, được che ấm vào ngày giá rét. Với cách chăm sóc chu đáo, khoa học, đàn trâu, bò phục hồi thể trạng rất nhanh. Chỉ sau 2 - 2,5 tháng, những con trâu, bò có thể tăng trung bình từ 40-60kg. Sau xuất bán, trung bình 1 con trâu, bò vỗ béo cho lãi 2,5 - 3 triệu đồng.
Trong quá trình chăm sóc vỗ béo đàn trâu bò, HTX Thiên An còn chú trọng nghiên cứu, ứng dụng quy trình chọn tạo con giống có tầm vóc, hình dáng đủ tiêu chuẩn làm con mẹ để áp dụng thụ tinh nhân tạo. Lai tạo ra những con trâu, bò giống có nhiều tính năng ưu của những con trâu bò bố mẹ, bảo đảm chất lượng con giống để chăn nuôi và cung cấp cho thị trường.
Để đảm bảo nguồn thức ăn chính cho đàn trâu bò, anh vận động mỗi thành viên của HTX phải trồng ít nhất 0,5ha cỏ voi VA06, riêng gia đình anh trồng tới 10ha.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX Thiên An đã tạo chỗ đứng vững trên thị trường. Trung bình mỗi lứa, trang trại của HTX chăn nuôi tập trung quy mô 100 - 120 con. Mỗi năm, HTX nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu, bò thịt và trâu, bò giống. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ của anh Liêm, các thành viên HTX Thiên An đều có cuộc sống ổn định, nhiều hộ thoát nghèo trở thành khá giả. Lợi nhuận bình quân của mỗi thành viên trong HTX đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Là người đi tiên phong trong phong làm gương để người dân thôn Cây Tre nói riêng, xã Xuân Lai nói chung thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Anh Liêm không ngại ngần chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, kinh nghiệm nuôi trâu bò nhốt chuồng cho bà con địa phương và những vùng lân cận. Từ mô hình của anh Liêm, các hộ lân cận và bà con trong xã đã học tập làm theo, không chăn thả nữa mà nuôi tập trung. Hộ ít thì 2 con, hộ nhiều thì 3 đến 4 con, toàn bộ nuôi nhốt.
Không chỉ phát triển chăn nuôi, gia đình anh Liêm hiện còn trồng 10ha rừng, chủ yếu là bạch đàn. Nhờ đó, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Mỗi chu kỳ khai thác, 10ha rừng cũng mang về cho gia đình anh Liêm trên 600 triệu đồng.
Nhờ cần cù chịu khó, năng động tìm hướng đi mới, Hoàng Văn Liêm đến nay đã gây dựng được cơ ngơi khang trang với hơn 10ha diện tích chăn nuôi và trồng cỏ, 10ha rừng kinh tế. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang về cho gia đình anh Liêm nguồn thu hơn 2 tỷ đồng.
Với những thành tích đã đạt được cho gia đình và cho sự phát triển kinh tế địa phương, anh Hoàng Văn Liêm đã xứng đáng được nhiều cấp chính quyền địa phương và trung ương vinh danh và khen thưởng.
Mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao của HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An
Ánh Dương