00:00 Số lượt truy cập: 3040042

Thoát nghèo nhờ bản lĩnh và hăng say lao động 

Được đăng : 12/06/2023
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám làm, dám chịu, không chịu khuất phục trước đói nghèo, chị Nguyễn Thị Thững, dân tộc Pa cô ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vươn lên trở thành một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh cấp tỉnh. Không chỉ giúp kinh tế gia đình phát triển, chị còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

chi-thung-1 

 Nhờ bàn tay cần mẫn, chăm sóc, vườn rừng của gia đình chị luôn phát triển tươi tốt

 

Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, sau khi lấy chồng, gia đình của chị rất khó khăn do sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt.Được sự động viên, hướng dẫn của Hội nông dân huyện, sự quan tâm, chia sẻ của bà con hàng xóm, anh chị quyết tâm tìm ra hướng sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Sau khi được tập huấn các KHKT trồng trọt, chăn nuôi và đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế tiêu biểu trong huyện, tỉnh và tìm hiểu cách chăn nuôi và trồng trọt qua sách báo, tivi, chị nhận thấy đất đai quê mình rộng, điều kiện khí hậu thuận lợi, phù hợp nuôi dê và trồng rừng kinh tế. Năm 2005, chị vay mượn người thân, bạn bè đầu tư hàng chục triệu đồng làm chuồng, chuẩn bị mua dê về thử nghiệm. Nhờ áp dụng chặt chẽ kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê gia đình chị luôn phát triển tốt, con nào cũng khỏe mạnh, mắn đẻ, lứa nuôi nào cũng đem lại hiệu quả cao. Thấy việc chăn nuôi thuận lợi, gia đình anh chị đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi thêm heo, gà, vịt. Ngoài ra, suốt ngày anh chị mải miết lên rừng, hết cuốc, đào, đến phát dọn, trồng cây, chăm bẳm từ bạch đàn rồi đến keo lai… Nhờ được trồng, chăm bón đúng kỹ thuật đã được tư vấn nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch, nhờ đó thu nhập của gia đình khấm khá hẳn lên. Cùng với việc chăn nuôi và trồng rừng, chị còn đào ao để vừa thả cá, vừa phục vụ cho việc tưới tiêu, đồng thời góp phần điều hòa tiểu khí hậu cho khu vực sản xuấti được tốt hơn mà đặc biệt là mùa nắng nóng.

Số tiền tích lũy từ chăn nuôi và bán keo và bạch đàn, chị tiếp tục mua đất để mở rộng trồng rừng. Qua bao nhiêu năm gia đình chị đã gây dựng được quy mô chăn nuôi hàng trăm con dê, gà, vịt, nuôi cá và trồng 15 ha rừng cây lâu năm. Từ việc trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm, chị Thững thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình chị đã xây nhà kiên cố, khang trang và mua sắm đầy đủ ti vi, tủ lạnh, đời sống đã dần được cải thiện.

Chị Thững chia sẻ: Để phát triển kinh tế hộ gia đình, hạn chế rủi ro, cần đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi cũng như tìm hiểu áp dụng khoa học kỹ thuật.  Đối với cây trồng phải thực hiện tốt việc cải tạo đất, tạo độ phì cho đất, ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón cho cây. Đối với chăn nuôi cần làm tốt việc vệ sinh, làm sạch; tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ và sau mỗi đợt xuất bán; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo khuyến cáo của thú y thì mới đảm bảo được an toàn dịch bệnh, hạn chế được việc dùng kháng sinh và từ đó năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của chị là một hướng đi khá hiệu quả và có tính bền vững, đáng để bà con đến tham quan học tập. Đây là mô hình giảm nghèo, cách làm giàu nhờ khai thác được tiềm năng lợi thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng đất nơi đây.

 chi-thung-2


 
Mô hình chăn nuôi vịt đạt hiệu quả cao của gia đình chị Thững

 

 

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho gia đình, chị Thững thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho bà con hội viên. Chị đến từng hộ gia đình để hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, cách chọn giống dê tốt để các hội viên khác cùng chăn nuôi có hiệu quả. Trong những năm qua, chị đã tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho 10 hộ gia đình, giúp đỡ được 05 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, cây con giống giá trị khoảng 10 triệu đồng. 

Tận mắt nhìn thấy hàng chục héc ta rừng trong thời kỳ phát triển, mới thấy hết sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữa này. Với niềm đam mê và hăng say lao động, một người nông dân ham học hỏi và luôn cố gắng vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Gia đình chị liên tục được công nhận là Hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi năm giai đoạn 2015 – 2020 cấp huyện. Năm 2020, chị được Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen Hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Minh Châu