00:00 Số lượt truy cập: 2985272

Thời kỳ quyết định trọng lượng hạt và năng suất lúa 

Được đăng : 13/03/2018
Hỏi: Xin Ban Biên tập cho biết thời kỳ nào quyết định trọng lượng hạt và năng suất lúa? Biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả để đạt năng suất cao? Trần Thanh Màu (Triệu Phong, Quảng Trị).

Đáp:

Thời kỳ chín của cây lúa kéo dài khoảng 30-40 ngày tùy theo giống và thời vụ. Đây là thời kỳ quyết định trọng lượng hạt và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo thành năng suất lúa.

Dựa vào sự biến đổi về hình dạng, màu sắc, chất dự trữ và khối lượng hạt, có thể chia quá trình chín của hạt ra 3 thời kỳ: chín sữa, chín sáp, chín hoàn toàn.

+ Chín sữa: Sau phơi màu 5-7 ngày, chất dự trữ trong hạt ở dạng lỏng, trắng như sữa. Hình dạng hạt đã hoàn thành, lưng hạt có màu xanh. Trọng lượng hạt tăng nhanh ở thời kỳ này, có thể đạt 75-80% trọng lượng cuối cùng.

+ Chín sáp: Ở thời kỳ này chất dịch trong hạt dần dần đặc lại, hạt cứng, màu xanh ở lưng hạt dần chuyển sang màu vàng, trọng lượng hạt tiếp tục tăng lên.

+ Chín hoàn toàn: Thời kỳ này hạt chắc cứng, vỏ trấu từ màu vàng chuyển sang vàng nhạt, trọng lượng hạt tối đa.

Để chăm sóc tốt lúa giai đoạn này, cần thực hiện tốt biện pháp phòng trừ tổng hợp, thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng". Một số sâu bệnh hại chính là sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt. Phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng khi mật độ 20 - 30 con/khóm, phun khi rầy còn nhỏ, rầy cám, lá lúa còn xanh sử dụng thuốc trừ rầy nội hấp, lưu dẫn như Dantotsu… Khi lá lúa chớm vàng sử dụng thuốc trừ rầy tiếp xúc, xông hơi như Bassa… Trừ bệnh khô vằn sử dụng thuốc đặc trị, giai đoạn lúa trỗ báo đến trỗ thoát thời tiết đêm và sáng sớm trời se lạnh, nhiều sương, mưa nhỏ, ánh sáng ít sử dụng thuốc có tác dụng kép trừ bệnh khô vằn và bệnh đen lép hạt như Tiltsuper 300EC… Phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho các giống nhiễm đạo ôn bằng một trong các loại thuốc sau như Fillia, Kasumin, Kasai… phun khi lúa trỗ báo hoặc sau trỗ thoát./.

BBT