Giống bồn bồn anh Lạc chọn trồng là bồn bồn sọc nên cây to, thu hoạch quanh năm
Trước khi áp dụng mô hình trồng bồn bồn, anh Lạc có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, theo anh nuôi tôm công nghiệp vốn đầu tư cao, thu nhập cũng cao nhưng nhiều lúc gặp rủi ro vì yếu tố thời tiết và giá tôm lên xuống thất thường.
Qua tìm hiểu, thấy trồng bồn bồn cho hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định chuyển sang trồng thử nghiệm 5 công (0,5 ha). Sau thời gian trồng, thấy cây phát triển tốt, đầu ra ổn định, thu nhập cao, anh mạnh dạn mở rộng diện tích.
Năm 2016, anh Lạc đầu tư kinh phí, áp dụng mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá trên diện tích 3 ha. Để cây sống khỏe giữa bốn bề nước mặn, anh chi 200 triệu đồng thuê máy cuốc làm lại bờ bao rồi dỡ bỏ khoảng 0,4 m đất mặt ruộng. Tiếp đến, thuê người đến thăm dò, đào 3 giếng nước ngọt, đặt máy bơm vào đồng ruộng bơm xả ra nhiều lần để khử mặn. Sau đó, anh dự trữ nước mưa và bơm nước ngọt từ giếng vào để trồng bồn bồn kết hợp thả nuôi một số loại cá.
Thời điểm đó, thấy anh Lạc đầu tư hàng trăm triệu đồng cho mô hình đầy rủi ro, nhiều người cho rằng anh bị “khùng”. Bởi lẽ, ở vùng nước mặn quanh năm mà làm đê bao giữ nước ngọt để nuôi cá đồng và trồng bồn bồn thì làm sao có thể thành công. Tuy nhiên, bỏ qua những lời mỉa mai, anh đã chứng minh sự thành công của mình sau nhiều năm khởi nghiệp.
Anh Lạc cho biết điều tiên quyết để thành công là khâu làm bờ bao giữ nước ngọt, nếu không đầu tư kỹ lưỡng, nước mặn thấm vào ruộng thì bồn bồn và cá sẽ chết. Bờ bao phải cao và làm lúc trời mưa, còn làm lúc nắng nước mặn trong đất dễ ngấm vào ruộng.
Giống bồn bồn được anh Lạc chọn trồng là bồn bồn sọc, cây to, trồng khoảng 4 tháng là thu hoạch. Bồn bồn thuộc họ cây cỏ nên ít tốn công chăm sóc. Để cây phát triển tốt, lượng nước trong ruộng phải giữ ở mức khoảng 60 cm; theo dõi sự phát triển của cây để bón vôi và lân đúng liều lượng. Nếu cây bị rầy đen tấn công chỉ cần xử lý bằng thuốc diệt rầy.
Theo anh Lạc, việc đào giếng trữ nước ngọt để trồng bồn bồn tuy cực công nhưng thu nhập ổn định. Bởi các hộ dân ở địa phương trồng theo cách thông thường chỉ có thể làm 1 vụ trong năm, đến mùa khô đất nhiễm mặn, không thể canh tác. Trong khi đó, với cách làm của anh thì có thể trồng quanh năm, năng suất cao gấp 2 - 3 so với cách làm thông thường.
Nhờ cây cho thu hoạch đều nên anh phải thuê thêm người làm mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ, tiền công trung bình 200.000 đồng/người/ngày. Mỗi ngày, anh cung ứng cho thị trường từ 80 - 100 kg bồn bồn đã sơ chế với giá 30.000 đồng/kg.
Trong ruộng bồn bồn rộng 3 ha, anh Lạc thả nuôi hàng ngàn con cá giống như: thác lác, vồ đém, rô phi... Với cách nuôi kết hợp này, không phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn, cá ăn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Trong 1 năm, anh Lạc chia làm nhiều đợt thu hoạch cá, chủ yếu đợi lúc giá cá tăng để có lãi cao. Nhờ mô hình kết hợp này, anh có lợi nhuận kép, mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Đông, cho biết: “Trên địa bàn có khoảng 60 ha trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, anh Lạc là người tiên phong trồng bồn bồn theo mô hình khép kín, đem lại hiệu quả cao nhất. Đây là mô hình được đánh giá cao, sắp tới địa phương sẽ giới thiệu và nhân rộng”.
Mô hình trồng bồn bồn khép kín của anh Trần Văn Lạc cho hiệu quả kinh tế cao, là mô hình tiêu biểu đang được địa phương đề xuất ngành chức năng huyện Cái Nước khen thưởng cách sản xuất đạt hiệu quả cao trong nhiều năm liền. Thời gian tới, anh Lạc cho biết sẽ mở rộng diện tích, quy mô sản xuất khi nghiên cứu kỹ thị trường và tìm thêm đầu ra và sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật những ai muốn khởi nghiệp từ mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá.
Vân Anh