Năm 2020, gia đình chị Lê chuyển đổi 6.500 m2 đất ruộng và đất công ích để xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi. Ban đầu thì cái gì cũng khó khăn, vợ chồng chị lặn lội đến huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm và mua con giống, rồi tìm tài liệu để tự học.
Chị Lê cho dựng 1 khu nhà màng trên ao có diện tích gần 600 m2, 01 khu nhà màng hơn 200 m2 để làm các bể bạt trên cạn, 8 ao nuôi ốc nhồi; xung quanh ao đắp bờ cao để trồng cây ăn quả, xây dựng 200 m2 chuồng để nuôi bò. Chi phí ban đầu cho mô hình gần 1 tỷ đồng.
Năm đầu sản lượng nuôi ốc chỉ đạt khoảng 700 kg ốc thương phẩm, nhưng sang năm thứ 2 sản lượng tăng gấp đôi và năm thứ 3, sản lượng ốc thương phẩm đạt được 2 tấn. Với 3 năm kinh nghiệm, chị Lê đã khá thuộc những tập tính của ốc nhồi và kỹ thuật nuôi, đặc biệt là kỹ thuật nuôi ốc qua đông. Theo chị Lê, miền Bắc trải qua mấy tháng mùa đông, nếu không kiểm soát nhiệt độ thì ốc sẽ chết, ưu điểm của nhà màng là giúp giảm tác động của sương muối, mưa rét. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, cần đưa ốc lên bể bạt có lớp bùn nhão dưới đáy bể và phủ bên trên một lớp rơm giữ ấm.
Khu ao nuôi cần chia thành nhiều ao để nuôi gối lứa và dễ kiểm soát môi trường nuôi, độ sâu của ao nuôi từ 0,8 - 1,5m. Các bệnh thường gặp khi nuôi ốc nhồi là bệnh sưng vòi, bệnh nghiêng mình, bệnh ký sinh trùng. Vì vậy, quá trình cho ăn cần kiểm soát không để thức ăn dư thừa. Khi thời tiết nắng mưa thất thường, pH trong ao nuôi tăng cao, cần dùng nước vôi trong và men vi sinh để tạt cho ao nuôi. Thức ăn cho ốc gồm hoa, quả, bèo tấm, các loại rau thân mềm... Vì vậy, chị Lê trồng xung quang bờ ao khoai nước, sắn, mướp, khoai lang... Ngoài ra, chị còn cho ốc ăn thêm bỏng gạo, bã đậu kết hợp với các loại rau xanh để tăng sức đề kháng cho ốc.
Để có được nguồn giống tốt, chị lựa chọn ốc bố, mẹ là những con trên 30g, màu sắc sáng, không đóng rong rêu, tỷ lệ đực : cái là 1:1. Nếu chăm sóc tốt trong mùa đông, sang xuân ấm áp, ốc bố mẹ sẽ đẻ nhiều, năng suất cao hơn hẳn. Khi ốc đẻ trứng sẽ đưa vào khay nhựa, đặt khay nhựa chứa trứng trên mặt nước trong bể bạt trên cạn, mỗi ngày phun nước cho trứng một lần để giữ độ ẩm, có thể phủ khăn ẩm. Khoảng 15 ngày, trứng ốc sẽ nở ra ốc con, nhiệt độ thích hợp để ấp nở là 25 - 300C. Hiện chị đã tạo ra được nguồn ốc giống đủ tái sản xuất và cung cấp ra thị trường. Năm 2023, chị xuất bán được 20 kg ốc giống, trị giá 20 triệu đồng.
Hiện nay mỗi tháng, chị xuất bán khoảng 150 - 200 kg ốc thương phẩm với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg. Ốc được nhiều khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng. Ngoài nuôi ốc nhồi, chị thường xuyên nuôi từ 8 - 10 con bò 3B. Năm 2023, chị xuất bán được 5 con, giá bán hơn 60 triệu đồng/con. Phân bò được chị tận dụng để ủ rồi bón cho cây ăn quả. Năm 2023, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mà gia đình chị thu được khoảng trên 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Nguyệt Đức cho biết, mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp nuôi bò và trồng cây ăn quả của chị Lê đã mang lại hiệu quả tích cực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Mô hình có tiềm năng phát triển và cho thu nhập ổn định. Năm 2022, khi tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh tổ chức, mô hình của chị đã đạt giải ba.
Minh Hưng