Cựu chiến binh Trịnh Kế Vượn (thôn Plei Gok, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) phun chế phẩm khử khuẩn rơm rạ trước khi ngâm ủ.
Năm 1993, ông Trịnh Kế Vượn từ quê nhà Hưng Yên vào Gia Lai lập nghiệp. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, ông đầu tư xây dựng 300 m2 chuồng trại để chăn nuôi heo. Tuy nhiên, năm 2019, dịch tả heo châu Phi bùng phát, đàn heo gần 100 con trong chuồng lăn ra chết khiến gia đình ông trắng tay.
Không nản chí sau khi thất bại với việc chăn nuôi heo, nhận thấy nguồn rơm rạ tại địa phương rất dồi dào, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội cũng như kiến thức từ những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất tại một số địa phương trong tỉnh, năm 2023, ông Vượn quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích chăn nuôi heo sang trồng nấm rơm. Theo ông Vượn, trồng nấm rơm không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chi phí đầu tư lại thấp, chỉ cần chịu khó thì nông dân nào cũng có thể làm được.
Để chủ động sản xuất, sau mỗi vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, ông Vượn liên hệ các đầu mối mua tích trữ khoảng 1.000 cuộn rơm với giá 20 ngàn đồng/cuộn. Theo ông Vượn, không phải loại rơm nào cũng có thể trồng nấm. Muốn nấm đạt năng suất, chất lượng cao thì nguồn rơm phải khô, sạch. Vào vụ mùa, thời tiết thường mưa nhiều, nguồn rơm không đảm bảo nên ông chọn tích trữ rơm từ vụ Đông Xuân để sản xuất nấm quanh năm.
Rơm mua về được ông ngâm trong bể 1 ngày để xử lý tạp chất trước khi đem ủ. Thời gian ủ là 12 ngày, cách 6 ngày đảo đều 1 lần trước khi cấy meo giống. Khoảng 10 ngày sau, nấm cho thu hoạch. Nếu xử lý nguyên liệu đúng kỹ thuật, thời gian thu hoạch nấm có thể kéo dài trong 10 ngày. Bình quân mỗi cuộn rơm mang lại cho ông khoảng 2 kg nấm.
Sau mỗi đợt thu hoạch, ông dọn sạch các mô rơm, để trống khu trồng nấm trong 10 ngày nhằm khử tạp chất, mầm bệnh, tránh nấm vụ sau bị nhiễm khuẩn. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài nhưng việc thu hái nấm đòi hỏi vợ chồng ông phải thức dậy từ 3 giờ sáng để kịp cung cấp cho các tiểu thương tại chợ đầu mối của huyện Phú Thiện.
Mỗi ngày, gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 6 kg nấm rơm. Ngày thường, giá bán khoảng 80 ngàn đồng/kg, ngày rằm, mùng 1 thì giá tăng gấp đôi, gấp ba. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình ông thu hơn 10 triệu đồng.
Ông Vượn chia sẻ sau 1 năm thử nghiệm, tôi có thể khẳng định, rơm rạ tuy chỉ là phụ phẩm nông nghiệp nhưng hoàn toàn có thể giúp người nông dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu nếu sản xuất nấm rơm quy mô lớn. Người dân muốn học hỏi, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Nếu được hỗ trợ nguồn vốn, gia đình dự kiến mở rộng quy mô trồng nấm thêm 2 sào, đảm bảo nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho thị trường đồng thời tăng thu nhập”.
Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình trồng nấm rơm của ông Vượn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nấm rơm là sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe nên được thị trường ưa chuộng. Nghề trồng nấm rơm lại không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên bà con học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi thu hoạch nấm, nguồn rơm rạ ủ mục có thể tận dụng để làm phân bón cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.
Kiều Vân