00:00 Số lượt truy cập: 2989528

Thu tiền tỷ trồng cam vì bén duyên xứ Mường 

Được đăng : 21/07/2021

 

Nông dân Vũ Văn Thuấn Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại tỉnh  Hưng Yên, nhà  đông anh em, đến tuổi trưởng thành, anh cũng như bao thanh niên khác trong vùng đều phải bươn chải kiếm sống. Cuộc sống  năm 1990 không ít khó khăn, mặc dù cần mẫn lao động nhưng kinh tế gia đình anh vẫn không khá lên được, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính trong gia đình, anh đã nhiều đêm suy nghĩ, làm gì để thoát cảnh nghèo khó. Anh bắt đầu học theo mọi người đi lên vùng tây bắc Sơn La, Hòa Bình thu mua mía của bà con rồi chuyển về xuôi bán kiếm lời. Hết vụ mía anh lại chuyển sang thu mua cam, bưởi. Thời gian đó ít người lên làm ăn nên anh không phải cạnh tranh. Sau vài năm buôn bán anh tích cóp dành được ít vốn liếng kha khá dắt lưng. Anh Thuấn chia sẻ: Về quá trình đi buôn bán nơi đất khách quê người, vất vả nhất là vào đợt mưa lũ, xe dưới xuôi không lên chở hàng được, anh phải thuê xe từ Hòa Bình, Sơn La chuyển mía về Hà Nội để đổ buôn, nhiều khi không đổ buôn hết được, anh lại phải đi rao bán lẻ từng chợ. Không ai trong gia đình cũng như bạn bè có thể tin được chàng trai Thuấn có thể buôn bán gì được ở Tây Bắc hẻo lánh.

Cuộc sống mưu sinh, buôn bán nay đây mai đó anh cũng rất vất vả, sau nhiều năm làm ăn sinh sống trên mảnh đất xứ mường, đến năm 2000 anh bén duyên với cô gái ở đất Cao Phong thuộc tỉnh Hòa Bình. Anh quyết định nên vợ chồng và lập nghiệp tại đây. Hai vợ chồng anh không đi buôn bán, anh chị bàn nhau mua đất để trồng cam vì anh có chút kinh nghiệm về trồng trọt.

Sau nhiều năm buôn bán anh có được một số vốn kha khá, anh đầu tư vào mua đất để trồng cam, thời gian đầu giá cam xuống thấp chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng 1kg, thương lái đến vườn thì ép giá nên anh cũng ức chế, nhiều lúc anh cũng thấy nản. Anh thuê xe chở cam xuống Hà Nội đổ buôn cho các mối cũ nên giá cũng được khá hơn. Dần dần giá cả thị trường cũng ổn định, anh đầu tư mua đất, đến nay anh đã sở hữu hơn 10ha đất trồng cam và 1ha để trồng nhãn lồng Hưng Yên. Vùng đất 10ha trồng cam này, anh mua lại từ hộ gia đình ở xóm Chiềng, xã Thung Nai. Để vào được vườn cam của anh, phải đi qua dãy núi, băng rừngđi hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi chúng tôi choáng ngợp trước khu vườn cam xanh rì. Với hơn 10ha anh trồng vài loại cam như cam V2, hiện nay 5ha đã cho thu hoạch. Vụ cam năm 2021, sản lượng thu hoạch dự kiến hơn 100 tấn cao hơn năm 2020 , với giá thị trường 13.000 – 15.000 đồng 1kg, gia đình anh thu về hơn 1 tỷ đồng, ngoài ra mỗi năm anh thu từ nhãn về hơn 100 triệu đồng.

Anh Thuấn chia sẻ:Để xây dựng thương hiệu cam Cao Phong phát triển ổn định và bền vững, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm".Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Cao Phong, anh Thuấn nói muốn thành công trong nông nghiệp thì đòi hỏi phải rất kiên trì, chịu khổ, chịu khó, ngoài ra còn phải học hỏi kiến thức về trồng cam. Anh ở trong vườn cam, nửa tháng  hoặc cả tháng anh mới ra ngoài thăm vợ và các con. Nhiều lúc ở 1 mình với cả vườn cam rộng lớn cũng thấy buồn, nhưng biết làm sao được khi cuộc đời mình bén duyên, kết trái với mảnh đất này, với cây cam Cao Phong" - anh Thuấn chia sẻ. Sẽ chẳng ai hình dung ra được hình ảnh "vua cam" xứ Mường sở hữu diện tích 10ha lại phải ngồi chợ để bán từng kg cam. Nhưng với anh Thuấn thì điều này lại rất bình thường, thậm chí anh đã một vài lần làm điều này khi thương lái ép giá đến mức "khó chịu".

Anh không chỉ nhanh nhạy trong việc phát triển kinh tế. Anh và gia đình thường xuyên vận động bà con trong thôn xã cùng nhau phát triển sản xuất, cùng nhau tham gia thực hiện tốt phòng trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cho bà con quanh vùng, đồng thời anh còn giúp các hộ khó khăn ở địa phương, tích cực vận động tuyên truyền bà con nông dân trong thôn đoàn kết, trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Anh và gia đình luôn chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đóng góp ủng hộ các loại quỹ tại địa phương. Với những thành tích đó, gia đình anh hàng năm được xét công nhận là gia đình nông dân văn hóa, danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

                                                            Chu Hương