Anh Thuấn (giữa) cùng với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Krông Pa thăm mô hình sản xuất mì của gia đình
Năm 1989, Anh Nguyễn Văn Thuấn cùng gia đình từ tỉnh Thái Bình vào huyện Krông Pa lập nghiệp. Từ mảnh đất đồng bằng sông nước ven biển, quen khí hậu thổ nhưỡng quê nhà nay lại đến một nơi hoàn khác lạ, khí hậu vùng và thổ nhưỡng vùng rừng núi đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống gia đình. Tuy nhiên, bằng nghị lực và bản tính cần cù chịu khó, gia đình anh khai hoang được hơn 1 ha đất nương rẫy chủ yếu trồng lúa, mì (sắn), bắp (ngô) và một số cây ăn quả khác.., nhưng do trồng chưa đúng kỹ thuật và chưa áp dụng khoa học cũng như thiếu sự đầu tư phân bón nên thu nhập gia đình cũng chẳng được là bao, nhiều năm còn trong tình trạng túng thiếu.
Quyết bám trụ lại mảnh đất mà gia đình anh đã lựa chọn, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, chưa kể bệnh sốt rét hoành hành, ốm đau liên miên. Bằng số tiền ít ỏi vay mượn của 2 bên nội ngoại được 50 triệu đồng và mượn 4 ha đất rẫy để mở rộng diện tích, chuyển đổi cây trồng nhằm phát triển kinh tế, anh đã đầu tư trồng điều, bắp lai, đậu ván...
Khi đó, cây điều mang lại lợi ích kinh tế cao nên anh đã mở rộng diện tích để thay thế những cây trồng ngắn ngày như bắp, mì. Cây điều phát triển tốt nên gia đình có nguồn thu nhập khá cao, cuộc sống dần ổn định và đã tích lũy được một số vốn.
Tuy nhiên, những năm sau đó, cây điều bắt đầu bị bệnh, năng suất thấp, cùng với giá cả bấp bênh nên thu nhập không ổn định, thậm chí còn lỗ cả công chăm sóc. Chính vì vậy, năm 2020 anh bắt đầu phá bỏ gần hết diện tích điều và mua thêm đất để chuyển qua trồng 30 ha mì giống KM140 và HN5.
Để đầu tư diện tích trồng mì trên diện tích lớn, cần phải nắm chắc kỹ thuật và nguồn vốn lớn cùng với hoạch toán chi phí, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm chi phí công lao động. Anh đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mì cùng với phương pháp khoa học công nghệ ở các vùng lân cận. Khi đã nắm bắt được cách làm, anh đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trên 90% ở tất cả các khâu làm đất, trồng cây, làm cỏ, phun thuốc và thu hoạch. Nhờ đó, năng suất mì đạt trên 30 tấn/1ha. Thu nhập gia đình đã tăng cao, đạt trên dưới một tỷ đồng. Vụ mì năm 2023, gia đình anh trồng hơn 30ha, thu hoạch được 900 tấn, bán với giá 3.000 đồng/kg, thu về 2,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 1,7 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, nông dân, tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật sản xuất cho 11 hộ, trong đó có 5 hộ nghèo. Một số gia đình trước kia gặp rất nhiều khó khăn được anh cho mượn vốn không tính lãi suất và còn hướng dẫn cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã khá hơn và vươn lên thoát nghèo, có điều kiện lo cho con cái học hành.
Đồng thời, anh rất tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đóng góp quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quỹ đền ơn đáp nghĩa.., thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào do Hội Nông dân và địa phương phát động.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Uar - Giang Văn Trường cho biết: Anh Thuấn là nông dân sản kinh doanh giỏi và cũng là tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Việc làm của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có sức lan tỏa đến với bà con nông dân trên địa bàn học tập, thi đua tăng gia, sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương. Từ đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã ngày càng mở rộng và đi sâu vào đời sống xã hội.
Nhật Anh