Một trong những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là mô hình chăn nuôi thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lê Ngọc Quyết tại Khối 4, thị trấn Bình Minh. Với mô hình này đã đem lại cho gia đình ông doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.
Ông Quyết chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi cũng đã nuôi tôm nhiều năm nhưng là nuôi theo cách truyền thống, hiệu quả không cao. Mỗi lần được mùa thì mất giá, không mất giá thì lại dịch bệnh, khí hậu thay đổi làm tôm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Vì thế, chúng tôi đã quyết tâm tìm hướng đi mới cho phát triển ngành nuôi tôm cho chính bản thân mình và địa phương. Đó là nuôi tôm trái vụ ứng dụng công nghệ cao”.
Ảnh : Ao tôm của ông Quyết
Nghĩ là làm, năm 2016, ông Quyết cùng một số hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh đã cùng nhau trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh miền nam và cùng nhau bỏ ra nguồn vốn lớn hơn 20 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao như hệ thống xử lý môi trường nước biofloc, các ao nuôi được bao bọc bởi hệ thống nhà kín kiên cố, kiểm soát được môi trường nước, không khí, nhiệt độ; các thông số môi trường ao nuôi, khâu cho ăn, sức khỏe tôm… được kiểm soát tự động. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường, điện, nước.. cũng được đầu tư bài bản.
Do sản xuất trái vụ cộng thêm việc tôm và hàu được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không có kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng và giá bán cao hơn so với nuôi thông thường.. Hiện nay, với tổng diện tích 7 ha, trong đó 4 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 2 ha nuôi hầu giống, các diện tích còn lại gia đình ông làm ao lắng, chứa nước để đảm bảo trong thời gian nuôi không bị thiếu nước. Mỗi năm sản lượng tôm đạt là 50 tấn/năm, hàu giống 504 triệu con/ năm.
Chia sẻ kinh nghiệm ông Quyết cho biết: “Để nuôi tôm và hàu, điều quan trọng nhất chính là môi trường sinh sống của chúng đó là nước. Đặc biệt là hàu thì nước không được quá mặn hoặc quá ngọt. Vì nếu quá nồng độ chúng sẽ không sinh sản được vì vậy chất nước cần phải ổn định”.
Tại trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Quyết hiện nay đã nuôi trồng thành công loại hàu giống có tỷ lệ sống đạt 80 – 90 % so với hàu giống mua từ trung quốc với tỷ lệ sống 60 – 70%. Nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh lân cận như Nam Định hay Quảng Ninh cũng đã đến tận trang trại của gia đình ông mua về làm giống.
Nhờ đầu tư đúng và có chiến lược bài bản mà hiện nay với mô hình trang trại chăn nuôi thủy hải sản này đã đem lại cho gia đình ông Quyết nguồn thu nhập ổn định với doanh thu hơn 9 tỷ đồng trong đó tôm thẻ 7,8 tỷ; hàu giống 1,4 tỷ. Và tạo việc làm ổn định cho 15 lao động mỗi tháng với mức lương từ 6 – 8 triệu đồng, lao động mùa vụ 2- 3 người công 250.000 đ/ngày.
Với những đóng góp của mình, ông Quyết đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vinh danh là 1 trong 141 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2020; 1 trong 63 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Ông Quyết cũng là 1 trong nhưng đại biểu tỉnh Ninh Bình dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020.
Lê Bích