00:00 Số lượt truy cập: 2855381

Tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ 

Được đăng : 21/05/2024
Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, Thanh Hóa có đầy đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư... đã trở thành lợi thế của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

pa12345678

 Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ giai đoạn 2022-2030, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng. Trong đó tập trung thực hiện tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất; ưu tiên trên một số lĩnh vực như giống, vật tư, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao cho các vùng sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt, Thanh Hóa hiện đã hình thành các hệ thống đầu tư vào sản xuất khép kín, nhà màng, nhà lưới; tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất tăng nhanh, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thực hiện các giải pháp khuyến khích mô hình tưới tiết kiệm nước phục vụ các khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng nông nghiệp 4.0 trong quản lý, giám sát, điều khiển tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 ha ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, hoa, tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Hoằng Hóa...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp. Nhiều dự án chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn đã đi vào sản xuất như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty TH milk nhập 1.500 con bò sữa nuôi tại trang trại; Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện đã nhập 1.768 con lợn cụ kỵ từ Đan Mạch; Dự án Khu chăn nuôi DABACO đã nhập 5.000 con lợn bố mẹ từ Pháp; Mô hình liên kết chăn nuôi vịt huyện Nông Cống đã nhập 36.000 con.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cũng cho thấy nhiều nét tích cực. người dân đã đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước khu vực cửa lạch, đảo, hồ thủy điện, thủy lợi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu áp dụng thành công các kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng công nghệ cao ở các hồ đập lớn trên địa bàn. Cùng với đó, Thanh Hóa luôn duy trì ổn định diện tích nuôi ngao 1.000ha, nuôi tôm 4.100ha. Những năm gần đây, người nuôi tôm đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai dưới dạng thâm canh, siêu thâm canh thông qua mô hình nuôi trong bể xi măng. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới chủ động kiểm soát được các yếu tố điều kiện nuôi, một năm có thể nuôi 3 vụ tôm, hiệu quả kinh tế cao gấp 8 - 10 lần nuôi quảng canh. Do vậy, diện tích nuôi trồng không tăng nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng đáng kể nhờ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Theo đánh giá của Sở NN & PTNT, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mang lại lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống; chăn nuôi đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đặt, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh xác định tiếp tục thực hiện tốt vai trò “trung tâm, nòng cốt” trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện các phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thanh Hóa phát triển bền vững.Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân  tỉnh đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ, khoa học, công nghệ cho nông dân vào sản xuất, tiêu thụ nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Để giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, HND tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình hoạt động giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; phối hợp với Bưu điện tỉnh ban hành kế hoạch “Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” và ký kết 32 chương trình phối hợp khác với các ban, sở, ngành, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân. Gần đây nhất là ký kết hợp tác với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vào ngày 23-5-2024.

Các cấp Hội đã phối hợp triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng gia đình, từng địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân ứng dụng, đầu tư khoa học công nghệ, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP góp phần phát triển bền vững nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường, tích cực phát động hội viên nông dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật một cách bài bản, sâu rộng. Trong 10 năm qua, HND tỉnh đã tổ chức trên 30 nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ cho gần 3,3 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia, như tập huấn các biện pháp kỹ thuật trồng trọt; chăn nuôi trên đệm lót sinh học; chuyển giao một số giống lúa mới năng suất cao; kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học; kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; sản xuất rau an toàn... Bên cạnh đó, HND tỉnh cũng đã tổ chức gần 1 nghìn cuộc hội thảo với các doanh nghiệp nhằm giúp nông dân tiếp cận được các vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm chất lượng đồng thời giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.Với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, HND tỉnh đã giúp nông dân tích cực liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều hộ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi do HND tỉnh hướng dẫn thực hiện, nhiều mô hình được nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới 1 nền nông nghiệp sạch, liên kết theo hướng chuỗi sản xuất hàng hóa.

Hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật do Trung ương Hội, tỉnh phát động hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để hội viên nông dân có điều kiện tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Kết quả, Hội thi các năm Hội Nông dân đã vận động được hội viên nông dân tham gia các giải pháp và dự thi đạt giải.

Nhằm kết nối cung cầu, mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu ổn định và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm sạch, an toàn trong và ngoài tỉnh, HND tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh ban hành kế hoạch “Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”. Hai bên đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình về phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử, công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing, đng ký gian hàng và lựa chọn đưa các sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử, cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm, cách thức chăm sóc khách hàng…. Hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP) và hỗ trợ tem truy xuất cho các sản phẩm nông nghiệp. Với vai trò của mình, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội. Việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất, là những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử...

Chỉ tính riêng trong năm 2023 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã mở được gần 3 nghìn lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 360 nghìn lượt hội viên nông dân với các nội dung như: sử dụng chế phẩm sinh học, đưa thiết bị hiện đại vào sản xuất lúa, sản xuất phân bón hữu cơ trên đồng ruộng, sử dụng đệm lót sinh học chăn nuôi an toàn cho nông dân. Cùng với đó là hỗ trợ nông dân xây dựng 125 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Hoạt động này đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa phấn đấu 100% Hội Nông dân cấp huyện xây dựng ít nhất 1 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ. 

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thể hiện rõ là trung tâm, nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

 

Quốc Khánh