00:00 Số lượt truy cập: 2990507

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu 

Được đăng : 02/01/2018
Theo thống kê của các ngân hàng, hiện nay, một trong những hạn chế của tín dụng nông nghiệp, nông thôn là chưa thỏa mãn nhu cầu thực tế. Vẫn còn trên 5% đến 15% tỉ lệ hộ gia đình tại từng ngân hàng cho rằng mức cho vay hiện nay chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu sử dụng vốn của hộ, họ vẫn phải sử dụng song hành cả nguồn vốn chính thức từ ngân hàng và nguồn vốn phi chính thức từ bạn bè, người thân, thậm chí là vay nặng lãi.

Nguyên nhân tồn tại khá đa dạng, trong đó có những nguyên nhân về chính sách. Bên cạnh đó, nhu cầu về vốn vay của người dân quá gấp, nhưng lại thiếu thông tin cụ thể về nguồn vay chính thức, trong khi các nguồn phi chính thức đáp ứng nhanh các yêu cầu vay vốn, thủ tục dễ dàng, nhanh chóng, thời gian, lãi suất cho vay linh hoạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dân tiếp cận với nguồn phi chính thức do nhu cầu vốn quá gấp là 27%, do thủ tục dễ dàng, nhanh chóng là 24% do lãi suất phù hợp hơn là 22%. Có hơn 5% hộ dân vay tại Agribank, 16% hộ dân vay tại Ngân hang Chính sách xã hội và 33% vay tại Ngân hang Thương mại cho rằng lãi suất có phần cao hơn so với khả năng sinh lời của họ. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng vốn nhiều hộ nông dân gặp phải các vấn đề liên quan tới sức khỏe, khả năng tiêu thụ hay gặp phải khó khăn trong thị trường đầu vào, nên mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước khó thực hiện. Nếu lãi suất tiếp tục giảm xuống trong bối cảnh chi phí cao do phải quản lý nhiều khoản vay nhỏ lẻ, có thể sẽ làm giảm sự sẵn lòng của ngân hàng tham gia vào cung cấp dịch vụ dành cho đối tượng khách hàng ở nông thôn.

Bên cạnh đó, việc vay không có tài sản bảo đảm tại ngân hàng đòi hỏi phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Song công tác cấp giấy tờ, xác nhận của chính quyền địa phương và Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện còn quá chậm trễ, tốn thời gian, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, khiến cho vay không có tài sản bảo đảm gặp vướng mắc về pháp lý giống với cho vay có tài sản bảo đảm.

Sự phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước và với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Tỷ lệ người dân nhận được hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rất thấp. Chỉ có 21,9% nhận được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất kinh doanh, 12,1% nhận được hỗ trợ đầu vào cho sản xuất kinh doanh, 9,4% nhận được hỗ trợ đầu vào của sản xuất. Mặc dù đã có hệ thống thỏa thuận chặt chẽ về hợp tác giữa các ngân hàng với Hội nông dân và Hội Phụ nữ, song vai trò của các hội này trong mở rộng tín dụng nông thôn mới chỉ được phản ánh rõ rệt tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đối với các ngân hàng khác còn mờ nhạt. Sự trao đổi thông tin giữa các Hội với các ngân hàng, cũng như với các thành viên hiện nay bị hạn chế. Tỷ lệ người dân nhận được hỗ trợ của tổ chức chính trị - xã hội về kỹ thuật sản xuất là 8,29%, về đầu vào cho sản xuất là 4,25%, về đầu ra của sản xuất là 3,1%./.

Hương Chu