Nông dân trồng mía đường ở Uganđa yêu cầu tăng giá bán. Thông qua Hiệp hội nông dân trồng mía đường quốc gia, những người nông dân viện cớ họ chỉ được trả trung bình 34.000shilling/tấn. Trong khi đó họ lập luận có thể sản xuất trung bình 90kg đường từ 1 tấn mía, chi phí hết khoảng 162.000 shilling, và điều đó là thiệt hại quá nhiều so với phần họ được trả.
Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất Châu Á, sẽ cắt giảm giá của loại ngũ cốc này bán cho các cơ sở chế biến trong nước trung bình khoảng 14,8% trong tháng 4/2009 - sự giảm giá đầu tiên trong vòng 3 năm qua - sau khi chi phí nhập khẩu giảm do giá đồng Yên tăng cao và sự khủng hoảng của các thị trường ngoại. Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết sự giảm giá này phản ánh giá trị thu mua giảm của mặt hàng ngũ cốc từ các quốc gia như Mỹ, Canađa và Australia trong 8 tháng, kết thúc vào 31/1/2009.
Australia có thế sẽ đạt sản lượng bông tăng gấp đôi trong năm nay do quốc gia này vừa phục hồi sau đợt hạn hán nghiêm trọng. Tổng sản lượng sẽ đạt 1,4 triệu kiện trong mùa vụ kết thúc vào 31 tháng 7, tăng hơn 2 lần so với sản lượng 620.000 kiện trong năm trước.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), do sản lượng lúa mỳ của Ả Rập Xê Út suy giảm nên quốc gia này đang tìm kiếm 2 nhà thầu lớn cung cấp tổng 1,1 triệu tấn lúa mỳ trong tháng tới. Kết qủa từ một cuộc khảo sát cho thấy sản lượng thu hoạch lúa mỳ của Ả Rập Xê Út giảm 29% trong năm nay đạt ở mức 1,2 triệu tấn.
An ninh lương thực, giá cả biến động và người nghèo trên thế giới sẽ là những vấn đề chính được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh Bộ trưởng Nông nghiệp G8 - Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga và Mỹ) được tổ chức trong tháng tới tại Italia. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Italia - Luca Zaia – quốc gia này rất quan tâm đến việc biến động giá các mặt hàng lương thực thực phẩm, điều đã khiến nhiều gia đình, người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Philippines hy vọng sẽ tăng sản lượng sản lúa gạo lên tới 20 triệu tấn vào năm 2010. Trước đó, chính phủ nước này đã tăng ngân sách phân bổ cho nông nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch đầy tham vọng về tự túc lương thực. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng đây vẫn còn là một vấn đề đầy tranh cãi, liệu tăng ngân sách có thể giúp tăng sản lượng lúa gạo như mong đợi không và liệu có giúp được mục tiêu tự cấp lương thực vào năm 2010 hay không
Hơn 10 năm nay, phong trào trồng lúa Nhật phát triển mạnh ở tỉnh An Giang. Vụ đông xuân 2008-2009, diện tích lúa Nhật trong toàn tỉnh đạt gần 2.000ha. Có được kết quả này là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) và Công ty Kitoku Sinryo Nhật Bản.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn của Châu Phi, Ngân hàng Standard, Công ty Parent của Ngân hàng Stanbic bank Ghana, cùng với Liên minh Cách mạng xanh (AGRA) đã đóng góp 100 triệu đôla cho quỹ vốn vay lãi xuất thấp giúp phát triển nông nghiệp ở Ghana, Mô dăm bích, Uganda và Tanzania, mỗi quốc gia sẽ có thể vay tới 25 triệu đôla từ quỹ tín dụng này. Đây sẽ là cơ hội cho những hộ gia đình sản xuất vừa và nhỏ lẻ - điều mà trước đó được coi là mang tính rủi ro cao trong hoạt động tín dụng ngân hàng.
Bộ Thủy sản và Hàng hải Inđônêxia dự tính sẽ tăng sản lượng các sản phẩm thủy sản chế biến và tăng tỉ trọng sản phẩm này lên 25% tổng sản lượng thuỷ sản, theo đó giá trị xuất khẩu cũng sẽ tăng.
Bộ trưởng thương mại Thái Lan sẽ đến Nigeria và Nam Phi trong tháng 4.2009 để thương lượng các hợp đồng bán gạo cho các nước tại châu Phi. Nigeria và Nam Phi là hai nước nhập gạo Thái Lan lớn nhất trong năm 2008, Nigeria nhập 900.000 tấn và Nam Phi nhập từ 500.000-600.000 tấn.