Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện
Tính đến ngày 30/7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 803 xã nông thôn mới nâng cao và 94 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; 17 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt khoảng 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016… Cùng với quá trình triển khai, nhận thức và năng lực thực hiện chương trình của cán bộ cơ sở được nâng cao, những hạn chế, vướng mắc từng bước được khắc phục. Chương trình NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với hơn 2,97 triệu tỷ đồng trong 10 năm (bình quân khoảng 297 ngàn tỷ đồng/năm), trong đó, mức huy động xã hội chiếm đến 72,3%, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng, người dân (công sức, hiến đất…). Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình, người dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hàng vạn km đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng không phải đền bù khi giải phóng mặt bằng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) dù mời được triển khai từ tháng 5/2018 nhưng đến nay đã được triển khai đồng loạt trên tất cả các địa phương, tạo hiệu ứng lan toả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống. Đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Hơn 4.061 chủ thể OCOP, trong đó có 38,7% là HTX, 25,9% là doanh nghiệp, 33,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn một số hạn chế như:
Về xây dựng nông thôn mới: Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Một số vùng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM cao như Vùng Đồng bằng sông Hồng (99,4%), Đông Nam Bộ (89,2%) trong khi đó một số vùng tỷ lệ xã đạt NTM còn thấp như Miền núi phía Bắc (43,3%), Tây Nguyên (55,4%). Một số địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM rất thấp, dưới 30%, tập trung ở khu vực Miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên) và còn 16 huyện nghèo, thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”; sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, NTM chưa hài hoà và phù hợp với quá trình đô thị hoá, dẫn đến quy hoạch manh mún, đứt gẫy, các trung tâm đô thị, thị xã, thị tứ chưa phát huy được vai trò đầu tầu về kinh tế, chưa tạo ra được các hiệu ứng lan toả;một số địa phương có xu hướng “đô thị hoá nông thôn, đồng bằng hoá miền núi, bê tông hoá miền quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam; môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là việc thực hiện các nội dung liên quan đến xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề… làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước, môi trường; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn còn thấp;giá trị văn hóa truyền thống ở một số địa phương đang dần bị mai một, các tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, trộm cắp…) ở nông thôn vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp; sự cách biệt về mức độ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản của người dân ở nông thôn so với thành thị ngày một gia tăng.
Về nông nghiệp: Một số địa phương thực hiện xây dựng NTM chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tư duy của cán bộ ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng đến phát triển sản xuất (tăng quy mô và sản lượng) mà chưa tập trung cho phát triển kinh tế nông thôn; Tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nông thôn, thu mua nông sản, chế biến và cơ giới hóa còn chưa đồng bộ; áp dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; một bộ phận HTX hoạt động còn chưa hiệu quả.
Về nông dân: Ở một số địa phương, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng chưa thực sự được phát huy, do vậy, chưa khơi dậy được tinh thần tự nguyện và nguồn lực của nhân dân trong xây dựng NTM; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, cơ sở hạ tầng sau đầu tư ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do thiếu quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng.
Nguyên nhân của các tồn, tại, hạn chế là do:Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng NTM, một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của ngân sách Nhà nước; Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM của một số địa phương còn hạn chế, thiếuchủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình; hoạt động của một số Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện hiệu quả chưa cao; Bộ tiêu chí NTM với nhiều chỉ tiêu mới tập trung phản ánh kết quả đầu ra (như chiều dài của các con đường, chiều dài các tuyến kênh mương được bê tông hoá, hay diện tích lớp học, trang bị của nhà văn hoá…) mà chưa đánh giá được tác động đế đời sống người dân (như sử dụng nước hiệu quả, chất lượng của dạy – học, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, chất lượng hoạt động văn hoá – thể thao quân chúng, hiệu quả hoạt động của các HTX…) nên gây lãng phí và đầu tư không hiệu quả; Công tác huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình còn một số hạn chế. Nhiều địa phương tập trung đầu tư nhiều cho giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng một số nội dung tác động trực tiếp đến đời sống của người dân (y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường…) chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực được ưu tiên nhiều cho các xã phấn đấu về đích mà thiếu tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, đặc thù có suất đầu tư lớn và khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và dân cư thấp; Việc thực hiện tiêu chí môi trường ở nhiều nơi chưa thực chất, làm chiếu lệ, làm cho xong; nhiều nơi chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đến phát triển bền vững, dẫn đến ô nhiễm môi trường.
PA