Tiếp sau “Khoán 10” năm 1980, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/1993/NĐ-CP năm 1993 “Về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp”, ngành nông nghiệp đã khơi thông được nguồn động lực của kinh tế hộ, đạt được nhiều kết quả khích lệ trong sản xuất nông nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm. Thu nhập đời sống của hộ nông dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh việc tích cực, việc giao đất như vậy đã dẫn đến tình trạng manh mún đất nông nghiệp, diện tích thửa nhỏ và số thửa/hộ là nhiều. Tính đến 31 tháng 12 năm 2015, Việt Nam có diện tích tự nhiên 33.123.077 ha, trong đó đất nông nghiệp 27.302.206 ha, đất sản xuất nông nghiệp 11.530.160 ha.
Mặc dù sản xuất được cơ cấu lại theo hướng mở rộng quy mô, nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn. Trong tổng số 9,29 triệu đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có tại thời điểm ngày 1 tháng 7 năm 2016, số hộ chiếm 99,89%, số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%.
Đất sản xuất nông nghiệp bình quân một hộ năm 2016 là 5.804,5 m2 (giảm so với 5.836,5 m2 năm 2011). Mặc dù số sản xuất nông nghiệp bình quân một hộ có giảm đi, diện tích mỗi thửa có tăng lên, nhưng không đáng kể. Năm 2016, số thửa đất sản xuất nông nghiệp chỉ giảm 0,3 thửa /hộ so với 2,8 thửa năm 2011, vẫn còn tới 2,5 thửa/hộ. Diện tích mỗi thửa năm 2016 chỉ tăng đến 1.843,1 m2/thửa so với 1.619,7 m2/thửa năm 2011.
Hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha chiếm 36,1% tổng số hộ, hộ sử dụng từ 5,0 ha đất trở lên chỉ chiếm 2,3% hơn 80% nông dân có diện tích dưới 1 ha. Các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện có chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Sổ doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động chiếm 49,1% tổng số doanh nghiệp nông, lâm nghiệp thủy sản. Số doanh nghiệp có doanh thu thuần dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 18,7%.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có ruộng đất manh mún, số thửa và diện tích mỗi thửa bình quân một hộ nhỏ hơn mức trung bình cả nước. Năm 2016, ở vùng này bình quân một hộ có 2,6 thửa đất sản xuất nông nghiệp, với diện tích trung bình một thửa là 604,4 m2 (0,06ha/thửa). Đây là vùng sản xuất lúa khá tập trung, tuy nhiên mức độ tập trung ruộng lúa cũng không khá hơn nhiều. Bình quân một hộ có 2,6 thửa ruộng trồng lúa, với diện tích bình quân 647,6 m2/thửa (0,65ha/thửa), thấp hơn nhiều so với 1.401 m2/thửa bình quân chung của cả nước.
Theo các tiêu chí nói trên, vùng Đông Nam Bộ có quy mô tập trung đất sản xuất nông nghiệp tốt hơn, với số thửa bình quân một hộ giảm chỉ còn 1,3 thửa so với 1,4 thửa/hộ năm 2011. Ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy số thửa bình quân một hộ có tăng lên (1,4 thửa/hộ năm 2016 so với 1,3 thửa/hộ năm 2011), nhưng quy mô diện tích bình quân một thửa cũng tăng lên 0,54 ha/ thửa so với 0,51 ha/thửa. Tại đây, số hộ có quy mô trên mức hạn điền ( 3ha) không nhiều. Ở vùng Trung du miền núi phía Bắc do đặc thù địa hình, số thừa bình quân một hộ lớn hơn bình quân chung cả nước, 3,6 thửa/hộ, có giảm đi so với năm 2011 ( 3,9 thửa/hộ).
Mặc dù mức độ tập trung đất sản xuất nông nghiệp trong các hộ được cải thiện dần, nhưng đến nay tình trạng ruộng đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến./.
Hương Chu