00:00 Số lượt truy cập: 2668088

Tình trạng tôm còi, nguyên nhân và cách khắc phục? 

Được đăng : 17/08/2019

 

Hỏi: Ao nuôi tôm càng xanh của gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi nhưng khi thu hoạch vẫn xuất hiện nhiều con tôm còi. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Võ Văn Nhân (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

-    Tôm còi hay còn gọi là tôm chai là hiện tượng khá phổ biến trong ao nuôi tôm. Đó là những con tôm nhỏ và rất chậm lớn, vỏ chai cứng. Hiện tượng này thường xảy ra ở tôm cái hơn tôm đực.

-    Nguyên nhân có thể là do chất lượng giống, do hoạt động sinh sản quá mức hay do khả năng cạnh tranh kém cỏi của chúng trong đàn. Về khía cạnh con giống, người ta đã tìm thấy mối liên quan giữa tôm mẹ và đàn tôm con. Nếu tôm mẹ to lớn, khỏe mạnh sẽ cho ra đàn con lớn, khỏe mạnh. Vì thế, nếu ta chọn được giống nuôi mà mẹ của chúng bị còi thì nguy cơ đàn tôm bị còi là rất lớn. Ngoài ra, trong quá trình ương con giống, nếu trại tôm sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh thì cũng có nguy cơ tôm nuôi bị còi. Trong quá trình nuôi, khi tôm cái thành thục và sinh sản, hầu hết năng lượng và dinh dưỡng được tập trung cho sự hình thành trứng và vì thế không lớn được hoặc rất chậm lớn. Ngoài ra, những tôm nhỏ thường bị tôm lớn tranh  mồi và cả nơi cư trú, do đó, ngày càng trở nên còi cọc.

-    Để khắc phục tình trạng này, cần phải chọn thật kỹ con giống. Nếu tôm giống là tôm nhân tạo, cần chọn trại có uy tín để mua, đó là những trại luôn dùng tôm mẹ to lớn, khỏe mạnh; trại không dùng thuốc kháng sinh trong quá trình ương tôm. Nếu là giống tự nhiên, nên chọn tôm đều cỡ, khỏe mạnh. Trong quá trình nuôi, không nên nuôi mật độ quá cao, cho ăn đều khắp ao, định kỳ thu tỉa những tôm lớn, tôm mang trứng lớn và những tôm quá còi. Cắm chà để tạo nơi cư trú cho tôm./.
V.C