Thu hoạch nghêu trên cồn Vượt, xã Phú Tân
Ở xã Phú Tân, nơi nước biển xâm nhập sâu vào ruộng đồng, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng, một năm chỉ canh tác một vụ lúa thì người nông dân tâm huyết với đất đai thôi chưa đủ, phải có thêm lòng kiên trì, tài trí nữa mới bám trụ được. Anh Hà Văn Hải - tổ trưởng Tổ hợp tác nông – thủy sản Phú Tân (Ấp Phú Hữu , Xã Phú Tân, Huyện Tân Phú Đông, Tỉnh Tiền Giang) là một người như thế. Anh là người tiên phong trong vùng mạnh dạn chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với cơ thể săn chắc, làn da ngăm đen vì nắng, gió, anh Hải đã 10 năm quần quật cải tạo ruộng đồng ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. Anh hồ hởi khoe, năm đầu tiên thử nghiệm giống lúa chịu mặn do Trường Đại học Cần Thơ lai tạo đã cho thu hoạch 28 tấn lúa. Sau thu hoạch, anh thả tôm sú, rồi sau đó thả thêm tôm thẻ chân trắng và cua giống. Cách làm mới của anh Hải ít ai dám làm, nhưng giờ lại trở thành mô hình mẫu cho nhiều người dân học hỏi để thoát nghèo.
Gia đình anh Hải canh tác hơn 12 ha, anh thả tôm sú hoặc tôm thẻ mật độ thưa, từ 3 con đến 5 con/m2 mặt nước, ngoài ra, còn thả thêm cua biển giống… kết hợp nguồn tôm cá tự nhiên ngoài môi trường theo hệ thống cống lấy nước vào sinh sống trong ao tôm được nuôi vỗ béo bằng nguồn thức ăn viên bổ sung.
Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi ròng từ 400 đến 500 triệu đồng từ nuôi tôm. Một vụ lúa, sả áp dụng tiêu chuẩn VietGap, năng xuất hàng năm đạt 40 tấn lúa/năm, 18 tấn sả/năm anh thu về hơn 300 triệu đồng/năm, tổng thu nhập hàng năm anh thu về gần 1 tỷ đồng. Từ nuôi tôm, cây lúa và cây sả, gia đình anh đã tạo dựng cơ nghiệp nơi hạ lưu sông Tiền.
Theo gương anh, bà con xung quanh cùng hưởng ứng áp dụng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời liên kết sản xuất làm ăn tập thể kiểu mới để chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn, cùng làm giàu bền vững. Hiện diện tích sản xuất theo mô hình tôm + lúa tại địa phương đã mở rộng lên trên 500 ha. Đặc biệt, còn hình thành Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Phú Tân với 31 hộ nông dân tham gia trên diện tích 115 ha do anh Hà Văn Hải làm tổ trưởng áp dụng mô hình luân vụ lúa + tôm.
Tất cả là nhờ cây lúa và con tôm, từ khi sản xuất theo mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi hộ thu được trung bình từ năm chục đến vài trăm triệu trong năm. Năm 2017, thời tiết thuận, giá cả ổn định nên các hộ dân nuôi tôm được khá hơn. Toàn ấp đạt sản lượng trên 1.023 tấn, thu lãi trên 40 tỷ đồng, Niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ của con người nơi đây sẽ tiếp tục gặt hái thêm những “mùa vàng” trên mảnh đất này.
Không những đi đầu trong việc sản xuất kinh doanh giỏi làm giàu cho gia đình, anh còn rất tính cực đi đầu tham gia công tác xã hội. Anh đã hướng dẫn cho trên 22 lao động về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất; tạo việc làm thường xuyên 17 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Ủng hộ các hoạt động từ thiện, ủng hộ công tác phòng chống Covid -19, Quỹ hỗ trợ nông dân hàng trăm triệu đồng. Hằng năm, anh đi đầu trong công tác xây dựng và ủng hộ xây dựng nông thôn mới trên 260 triệu đồng. Là tổ trưởng Tổ hợp tác có uy tín, anh đã vận động bà con nông dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới cho địa phương cũng như toàn xã hội.
Những đóng góp của anh đã xứng đáng được các cấp, các ngành biểu dương khen tặng. Mới đây, anh còn vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhât Anh