Đối với khu vực nông thôn, ước tính mỗi năm phát sinh khoảng 7 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và khoảng 7.500 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong đó, khoảng trên 60% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh, hoặc xả trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm môi trường. Người nông dân vừa là nguyên nhân gây ra những tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường, vừa là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu những hậu quả môi trường do chính mình và cộng đồng tạo ra. Nông nghiệp là lĩnh vực rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và thiệt hại lớn nhất từ ô nhiễm môi trường và tác động của Biến đổi khí hậu.
Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân có kiến thức, hiểu và có trách nhiệm và tham gia tích cực hơn trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, kết quả xây dựng mô hình đã đạt trên một số kết quả bước đầu:
- Về mặt kinh tế: Thông qua mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt gia đình gắn tuyên truyền bảo vệ môi trường xã Hòa Lợi huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh” năm 2018, số thành viên tham gia mô hình hàng tháng đều được mời tham dự tập huấn về các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp cho địa phương, đồng thời lồng ghép vào đó là các biện pháp kéo giảm chi phí sản xuất lúa, màu như: chi phí bón phân, xử lý sâu bệnh…
Nhờ áp dụng các kiến thức được truyền đạt nên nông dân trong mô hình giảm được lượng giống là 100 kg/ha, giảm lượng phân đạm sử dụng từ 30 - 50 kg/ha và giảm 02 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với các hộ bên ngoài mô hình nên lợi nhuận của người dân tăng thêm từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng/ha.
Mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, đem lại lợi nhuận cao, kinh tế hộ ngày càng phát triển,tạo được thế mạnh tập trung sản xuất mô hình được nhân rộng cho nhiều hội viên, nông dân học hỏi làm theo, góp phần giảm nghèo bền vững từng bước vươn lên khá giàu, giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi và góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, ngày càng xanh, sạch đẹp, không còn xảy ra tình trạng sử dụng thuốc không đúng quy định và bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ở đồng ruộng, kênh rạch…gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nhân dân xung quanh, từng bước hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cuộc sống văn minh.
Về mặt môi trường:Người dân tham gia mô hình nói riêng và người dân sản xuất lúa, màu trong vùng nói chung đều nhận thức được lợi ích của việc thu gom rác thải nông nghiệp và áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, phân bón. Qua đó người dân trong vùng đã hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào bảo vệ môi trường vùng nông thôn đặc biệt là việc xử lý rác đúng cách tại đồng ruộng của mình.
Những vấn đề đặt ra:Mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về mặt kinh tế, văn hóa xã hội và xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh; người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp trên địa bàn xã, thì việc đem xử lý rác thải nông nghiệp mỗi năm chỉ có 02 lần nên việc bị ứ đọng rác thải nông nghiệp tại địa bàn cũng gây một phần khó khăn cho xây dựng phong trào tại các địa phương khác
Riêng về về vấn đề môi trường, thông qua mô hình các hộ tham gia đã thực hiện việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng nước tưới nên đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiểm môi trường do sản xuất lúa, màu gây ra.
T.P