Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình được xây dựng năm 2015, với quy mô nuôi khoảng 1.000 con/lứa. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, chưa áp dụng đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt đầu con cao, tốc độ tăng trưởng của đàn vật nuôi chậm, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi đạt thấp. Năm 2017, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, gia đình anh Thành bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi lợn. Khi mới áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, anh Thành và những lao động trong trang trại cảm thấy có sự gò bó, bởi, phải thay đổi từ cách chăn nuôi truyền thống sang những quy trình rất nghiêm ngặt như: Quy trình tiêm vắc xin cho vật nuôi; quy trình khử trùng tiêu độc chuồng trại; đánh số theo dõi đối với từng ô chuồng, từng lô lợn đưa vào nuôi; nhập, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng phải được ghi sổ nhật ký từng ngày.
Sau một thời gian áp dụng quy trình VietGAP, trang trại có sự thay đổi tích cực so với cách nuôi theo phương thức cũ. Các khu chăn nuôi, khu chứa vật tư, khu thu gom chất thải được bố trí khoa học, ngăn nắp, việc quản lý và người lao động dần quen với tác phong làm việc công nghiệp. Sau một thời gian triển khai quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào chăn nuôi, đến tháng 10/2017, trang trại của gia đình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ ghi chép sổ sách từng ngày nên anh đã theo dõi và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý rất hiệu quả. Hơn một năm qua, trang trại không xảy ra dịch bệnh, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, từ đó, nâng cao lợi nhuận cho gia đình. Cũng nhờ được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên có nhiều công ty chế biến thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh đến liên hệ thu mua lợn thịt, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm./.
BBT