00:00 Số lượt truy cập: 2986924

Trở thành tỷ phú từ đam mê 

Được đăng : 02/06/2023
Chị là Nguyễn Thị Kim Mai(sinh năm 1957), Ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Vốn là giáo viên và chưa từng cầm đến cây cuốc, chị tình cờ bén duyên với cây mãng cầu. Năm 2011, trong một lần ra Bắc lên Lạng Sơn thăm người nhà, chị thấy một cây mãng cầu (na) lai mãng cầu rừng cho quả to gấp ba lần bình thường, hạt ít và lép, chị đã mua cây đó với giá 8 triệu đồng mang về Đồng Nai.

hinhmangcauylac

Chị mai giới thiệu giống mãng cầu dai hạt lép 
 Kim Mai

 

Chị là Nguyễn Thị Kim Mai(sinh năm 1957), Ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Vốn là giáo viên và chưa từng cầm đến cây cuốc, chị tình cờ bén duyên với cây mãng cầu. Năm 2011, trong một lần ra Bắc lên Lạng Sơn thăm người nhà, chị thấy một cây mãng cầu (na) lai mãng cầu rừng cho quả to gấp ba lần bình thường, hạt ít và lép, chị đã mua cây đó với giá 8 triệu đồng mang về Đồng Nai.

Khi về Đồng Nai, chị mua 10 kg hạt mãng cầu Thái về tự ươm cây con nhưng thất bại do chưa có kinh nghiệm. Không nản lòng, chị tiếp tục đặt 10.000 cây mãng cầu giống ở Bến Tre rồi thuê người ghép đọt của cây mãng cầu Lạng Sơn vào. Chi phí chị bỏ ra để mua giống và thuê nhân công hết gần 100 triệu đồng, thu về 120 cây ghép.

Giống mãng cầu hạt lép có nhiều ưu điểm: cây có sức đề kháng cao, sinh trưởng tốt, chỉ 18 tháng đã đơm hoa. Một cây trung bình cho hơn 200 trái một vụ. Để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả lớn, chị tỉa bớt trái trên cây đi một nửa, nhờ đó, số lượng mãng cầu đạt loại một nhiều, trái bóng đẹp, hạt ít và nhỏ, thịt dai ngọt, mùi thơm hấp dẫn. Giống mãng cầu này lại có sức chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn hẳn giống mãng cầu Thái. Trái thu hoạch để từ 4 -7 ngày mới chín nên rất thuận tiện cho bảo quản, vận chuyển.

Nhớ những lần mới chào hàng, không ai tin trái mãng cầu nặng 0,5 - 1,2 kg này lại không dùng thuốc hóa học. Chị giải thích, loại trái cây này sản xuất sạch rất dễ, quá trình trồng chỉ dùng phân hữu cơ ủ bằng men vi sinh. Khi trái non, chỉ cần xịt một lần thuốc diệt nấm bệnh rồi bao trái lại, 3 tháng sau cho thu hoạch mà không phải xử lý thêm. Làm được trái cây sạch bán cho người tiêu dùng chị thấy rất vui, nên luôn xác định theo con đường này lâu dài.

Nhờ kiên trì ký gửi bán và chất lượng trái thơm ngon, khách hàng nhiều nơi dồn dập gọi đặt mua. Hiện nay, mãng cầu hạt lép Kim Mai với loại 1, loại 2, loại 3 có giá dao động lần lượt là 120.000, 80.000, 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, cây cho hai vụ thu. Sản lượng thu được chủ yếu cung cấp cho các sạp, cửa hàng trái cây cao cấp ở TP. HCM, Hà Nội… Nhiều siêu thị đặt vấn đề đưa sản phẩm vào tiêu thụ, đồng thời có đối tác đặt bao tiêu hàng để xuất khẩu. Hiện chị tiếp tục mở rộng diện tích và khuyến khích nông dân khác cùng đầu tư vào loại mãng cầu này vì tiềm năng thị trường còn rất lớn.

Từ thành công ban đầu, cộng với sự kiên trì, ý chí quyết tâm cao, chị tập trung phát triển giống mãng cầu hạt lép. Để gây dựng thương hiêu, bước đầu chị thành lập tổ hợp tác Lộc Mai (hiện chuyển đổi thành Công ty Xuất nhập khẩu Kim Mai) với trang trại trồng trọt cây ăn quả cao cấp, chất lượng và an toàn gồm: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, mãng cầu hạt lép Kim Mai, mãng cầu Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim. Với tổng diện tích 30ha, thu nhập năm 2019 của trang trại đạt 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động là con em hội viên nông dân ở địa phương, mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, không chỉ trồng và thu hoạch mãng cầu hạt lép, trang trại của chị cũng đang độc quyền cung cấp cây giống của loại đặc sản này.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, chị nhận thấy rằng lương thực, thực phẩm đều do bàn tay nông dân làm ra để phục vụ cho nhu cầu xã hội, nhưng đời sống của nông dân vẫn chưa cao, vì thế hội viên, nông dân cần xác định cho mình hướng đi đúng. Sản xuất cần phải đưa vào chuyên canh để tập hợp được lượng hàng hóa lớn, ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường; sản phẩm phải có chất lượng, uy tín, có thương hiệu mới mong tìm được đầu ra ổn định, hội viên nông dân cần liên kết lại theo hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; nông dân cần sáng tạo, tìm kiếm, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có giá trị, có nhiều lợi thế để cung ứng ra thị trường; chủ động xây dựng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng tạo hướng đi bền vững.

Bản thân chị luôn chú trọng việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực thẩm, sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người. Vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp nói riêng luôn được đặt lên hàng đầu, đây là điều tâm huyết của chị, làm theo quy trình Gap, để bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội, giảm những hệ lụy bệnh tật, nghèo đói, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên, nông dân và bà con lối xóm; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, mỗi năm phát trên 200 phần quà cho những hộ nghèo, khó khăn nhân dịp lễ, Tết; giúp 05 hộ gia đình thoát nghèo, có việc làm ổn định.

Chị Mai hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Định Quán, nhiệm kỳ 2018-2023. Bản thân và gia đình luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động.

Với sự nỗ lực của bản thân, chị đã được nhận rất nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành: Giấy khen “Nhà vườn sáng tạo” của Cục Trồng trọt, Bộ NN và PTNT năm 2010; Giấy khen thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2012 của Trung ương Hội NDVN; Kỷ niệm chương của Hiệp hội doanh nghiệp trang trại, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2012; Bằng khen của Trung ương Hội NDVN năm 2012; Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2013; Bằng khen của HND tỉnh Đồng Nai năm 2015, 2017; Bằng khen của Bộ NN và PTNT năm 2019; vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013. Đặc biệt, chị Mai được vinh dự tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V giai đoạn 2020 – 2025;

Mai Loan