00:00 Số lượt truy cập: 2626847

Trồng cà chua lai F1 vụ đông (đất 2 lúa) với giống (HT42, HT160), từ dự án KHCN năm 2017 

Được đăng : 13/10/2017
1. Thời vụ, đất trồng : - Thời vụ: Vụ Đông : Gieo hạt từ khoảng 8/9 - 28/9, trồng cây ra ruộng từ khoảng 2/10 – 23/10 dương lịch. - Cà chua vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc chủ yếu được trồng trên đất hai lúa (có thể trồng trên một số đất khác sau rau màu Hè thu,…).

2. Làm đất, xử lý đất, bón lót

- Đất ướt: Sau giải phóng lúa mùa (sớm, trung) có thể đất còn ướt, ta tiến hành làm đất, lên luống theo phương pháp làm đất ướt: sau khi cắt dạ đất vẫn còn ít nước, tiến hành cày hoặc cuốc, lên luống, độ rộng của luống (tính từ hai tim rãnh) từ 1,45m - 1,5m, trường hợp đất trũng cần lấy đất nâng cao luống, độ rộng của luống sẽ tăng hơn (1,6m …). Mặt luống được băm nhỏ sơ bộ nhất là ở vị trí trồng cây. Trước khi trồng 4-5 ngày có thể tưới chế phẩm sử lý đất theo chỉ dẫn.

Đất ướt chưa bón lót được ta trồng cây theo phương pháp trên trồng cây trên nền đất ướt có đất mồi. Cách làm 1 mẻ  đất mồi như sau: đất bột khô 4 xô+ 1 xô tro bếp +  mùn  hoặc phân chuồng thật hoai mục ( 3- 4 xô) + 1,5 kg  phân lân. Khi trồng làm một hốc nhỏ lấy một nắm tay đất mồi đặt vào hốc  trồng cây.

- Đất khô: Trường hợp trước đó đã trồng các cây rau màu đất phải xử lý ta tiến hành xử lý khô hoặc ướt.

Xử lý ướt: Rắc đều vôi bột lên mặt đất  (khoảng 30 - 35kg/sào Bắc bộ), lược qua  để trộn vôi bột vào đất. Sau đó cho nước ngập vào ruộng để ngâm, thời gian ngâm nước tối thiểu 12-13 ngày, sau đó tháo nước, làm đất lên luống.

Xử lý khô:  Trước khi phay đất cần rắc vôi bột (30-35kg/sào), sau đó phay đất và lên luống.  Luống rộng khoảng 1,5 m tính từ hai tim rãnh, sâu 25-30cm. Tạo hai rạch trên  mặt luống theo hai hàng trồng cây. Khi đất cần phải xử lý thêm bằng vibam, sử dụng  khoảng 4 kg/sào,rắc vào hai rạch cùng với  các loại phân bón lót sau đó lấp đất lại  (số lượng, chủng loại phân ghi ở phần sau). Xử lý đất và bón lót tiến hành trước khi trồng khoảng 2 ngày.

- Ngoài xử lý bằng các vật tư trên, ta có thể xử lý bằng các chế phẩm khác thực hiện trước khi trồng 2 ngày (chủng loại, liều lượng sẽ được hướng dẫn cụ thể).

3. Mật độ, cách trồng cây

 - Mật độ trồng: Hàng cách hàng 60cm, cây cách cây 45- 50cm.

- Trường hợp đất ướt, cây nhổ từ vườn ươm, ta đặt cây trồng vào hốc có  đất mồi, không nên trồng quá sâu. Trường hợp đất khô (sau khi đã bón lót) ta dùng tay hoặc dụng cụ tạo lỗ và áp dụng kỹ thuật trồng treo rễ. Khi trồng lấy cây có bầu đất (gieo trên khay) ta đặt cây đúng mật độ và lấp đất kín bầu. Sau khi trồng tưới nước giữ ẩm cho cây bén rễ.

4. Bón phân, chăm sóc

4.1. Các loại phân và số lượng cần bón cho 1 sào Bắc bộ:

a) Trường hợp có phân chuồng hoai mục: phân được ủ hoai ít nhất 6-7 tháng trở lên, sử dụng 280-300 kg . NPK (5:10: 3): 25-30kg, NPK (13:13:13) 12 kg, super lân Lâm thao 15-17 kg, đạm urea 6,5 kg, kali clorua 5,5kg.

b) Trường hợp không có phân chuồng: 80 kg phân hữu cơ Sông Gianh, NPK (5:10: 3):  25-30 kg, NPK (13:13:13)  12 kg, super lân Lâm Thao 15-17 kg, đạm urea  6,5 kg, kali clorua 5,5kg.

c) Sử dụng các loại chế phẩm phân vi lượng (bón lá) tưới phun bổ sung sẽ có danh mục và hướng dẫn sử dụng cụ thể.

4.2. Bón lót:

Sau khi làm hai rạch đảm bảo độ sâu trên luống (theo hai hàng trồng cây), sau khi rắc chế phẩm xử lý đất như Vibam (khi cần) ta tiến hành rắc đều các loại phân bón lót như sau:

- Supe lân 12-15 kg/sào.

- Toàn bộ phân NPK (5:10: 3): 25-30 kg/sào.

- Toàn bộ phân chuồng hoai mục như nêu trên (280-300kg/ sào),  hoặc 80 kg phân hữu cơ Sông Gianh. Sau đó lấp đất lại đủ độ dày 6-7cm.

Sau khi bón lót ta có thể phủ rơm hoặc dạ trên mặt luống, phun đẫm trừ các mầm bệnh bằng Valizacin, … trước khi trồng khoảng 2- 3 ngày.

4.3. Bón thúc các đợt:

- Bón thúc đợt 1:Sau khi trồng khoảng 7-8 ngày (cây đã bén rễ hồi xanh) bắt đầu bón thúc lần 1 bằng tưới phân khoảng 2 lần. Lần 1 ngâm 1 kg lân +1,5 kg NPK (13:13:13) + 2lạng đạm pha loãng tưới đều cho 1 sào. Lần 2 sau lần 1 khoảng 7-8 ngày ngâm 1,5 kg lân+ 1,5 NPK (13:13:13) + 5-6  lạng đạm cho 1 sào. Kết hợp băm sới (phá váng) mặt đất.

Trường hợp đất ướt chưa bón lót được trước khi trồng, sau trồng khoảng 7-10 ngày,… khi đất khô tiến hành băm đất tạo rạch trên luống để bón toàn bộ số phân bón lót như nêu trên và lấp đất lại. Chú ý bón cách xa gốc cây 15-20cm.

- Bón thúc đợt 2: Thực hiện sau trồng khoảng  26-28 ngày (khi cây ra hoa).  Số lượng phân bón cho 1 sào như sau: NPK (13:13:13) 7 kg, đạm urea 1,5kg , kali 2 kg. Cách bón: NPK và đạm + Kali được vùi xuống đất ở khoảng giữa 2 cây theo hàng.  Sau khi bón phân nếu không có mưa ta cần cho nước vào rạch và té nhẹ nước lên mặt luống để phân tan dần.

Sau khi bón lần 2 khoảng  2-3 ngày ta cần tưới thúc bổ sung: NPK (13:13:13) 2 kg +  đạm 1 kg, hòa thật loãng, tưới đều cho cây.

- Bón thúc đợt 3:  trước thu hoạch lứa đầu khoảng 7-8 ngày. Có thể tiến hành theo hai cách bón ướt hoặc khô:

+Trường hợp bón ướt: ngâm kali trước một ngày sau đó bổ sung đạm tạo nước cốt, rồi pha loãng tưới đều. Chia làm 2 lần, mỗi lần 1,5 kg đạm, 1,5 kg kali, lần tưới 2 cách lần 1 khoảng 15 ngày.

+ Trường hợp bón khô:  các loại phân NPK, đạm, kali sử dụng ở hai lần tưới trên gộp lại bón 1 lần.

- Bón thúc đợt 4 tiến hành sau đợt 3 khoảng 30  ngày...: bón nốt số đạm và kali còn lại.

Khi thu quả kéo dài số lượng phân NPK, đạm, kali có thể vượt số lượng nêu trên. (Các lần bón sau sử dụng đạm, kali theo tỷ lệ 4:3).

Cần hết sức chú ý bón cân đối các loại phân và không lạm dụng lượng bón quá nhiều. Trong giai đoạn thu hoạch các lần bón phân thực hiện sau khi thu quả.

5. Phòng trừ sâu bệnh

- Xử lý đất: đã nêu ở trên.

- Phun vệ sinh mặt luống sau khi phủ rơm, sau trồng bằng Zineb hoặc oxit đồng (đã nêu ở trên).

- Theo dõi diễn biến thời tiết, bệnh trong suốt quá trình trồng cà chua để phun phòng trừ  các bệnh bằng các chế phẩm như: Zineb (chủ yếu để phòng bệnh). Ở vụ Đông bệnh xuất hiện ít, tuy nhiên bệnh sương mai có thể  xuất hiện vào tháng 1, 2 dương lịch. Cần theo dõi để phun phòng bệnh kịp thời. Ngoài Zineb có thể sử dụng các thuốc trị bệnh như Aliatte, Ridomil. Liều lượng các loại thuốc sử dụng theo chỉ dẫn. (Aliatte là loại thuốc trị nhiều loại bệnh, Ridomil chủ yếu trị bệnh nấm mốc sương).

- Khi xuất hiện vẽ bùa lá cần phải phun trừ kịp thời bằng một số chế phẩm trừ sâu theo đúng hướng dẫn như trừ sâu vi sinh, …

- Ngoài các loại thuốc trên có thể sử dụng một số chế phẩm khác để phun vừa có tác dụng tăng trưởng và phòng bệnh…

6. Một số biện pháp khác:

+ Tẩy bỏ các nhánh mọc ở  đoạn gốc, để một nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cho hai, ba thân phát triển. Cắt bỏ các lá già ở đoạn gốc. Làm sạch cỏ.

+ Tưới nước đầy đủ. Khi tưới rãnh cần tháo nước dưới 1/2 rãnh, té nhẹ lên mặt luống. Khi trời mưa cần tháo nước kịp thời.

+ Làm dàn chắc: Cắm theo tụm 4 cây trụ (trong tụm= 1,3m, giữa tụm = 30cm), buộc 2 dáo: Dáo 1 cách mặt đất khoảng 35-40cm, dáo 2 cách dáo 1: 35- 40cm,... Tạo hình buộc cây vào các dáo sao cho cây san đều không bị chồng chéo để dễ chăm sóc, cây ít bị nhiễm bệnh.

- Thu hoạch: khi quả chín  80-100%. Để quả vào dụng cụ cứng (thúng, xảo, sọt tre) Vận chuyển cẩn thận tránh quả bị dập nát./.
Lê Văn Khôi