Trước kia, khi còn ở bản Tam Trong, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, gia đình ông Quàng Văn Chơn rất khó khăn, vất vả. Thu nhập của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa nương, mỗi năm chỉ có một vụ, chẳng đủ ăn, đủ mặc, thậm chí có những năm gia đình phải kiếm thêm củ sắn, củ mài để chống đói.
Đến năm 1993, được chính quyền xã, bản vận động theo phong trào san hộ dãn bản, chuyển ra bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Nơi ở mới có đất sản xuất, lại được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và canh tác cây cà phê, gia đình ông Chơn đã quyết tâm khai hoang 3 ha đất đồi núi ở sau nhà để trồng cà phê.
Ông Quang Văn Chơn đang chăm sóc và kiểm tra cây cà phê vườn nhà
Việc trồng cà phê bước đầu không tránh khỏi những khó khăn như: Thời tiết sương muối, thiếu nước để tưới cây, có vụ cho ra ít quả... nhưng ông Chơn vẫn không nản lòng, quyết tâm đến cùng. Với sự cố gắng nỗ lực dần qua các năm, cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch trung bình mỗi vụ được 25 - 30 tấn cà phê quả, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhận thấy đất đai nơi đây phù hợp với trồng các loại cây ăn quả, ông Chơn tiếp tục trồng xen các loại cây như: Mận hậu, mận tam hoa, mơ... tăng thêm thu nhập gần 300 triệu đồng.
Như vậy đến nay, cả trồng cà phê, cây ăn quả, mỗi năm gia đình ông Chơn thu được hơn 500 triệu đồng. Có năm được mùa, được giá, thu nhập lên đến 600 - 700 triệu đồng.
Ông Quàng Văn Chơn chia sẻ: "So với trước đến bây giờ, gia đình tôi đã khá hơn nhiều, gia đình con cái cũng được đi học, có nhà gần trường. Cùng với đó, nếu ốm đau phải vào viện cũng dễ dàng hơn. Nói chung, kinh tế thu hoạch đáp ứng được cuộc sống cho con cái, gia đình được no ấm hơn trước".
Ngoài việc chăm sóc vườn cây của mình, ông Chơn còn là đầu mối thu mua cà phê, giúp ổn định thị trường tiêu thụ cho bà con trong bản, mỗi vụ cũng thu thêm từ 200 - 300 triệu đồng từ dịch vụ này. Cùng với đó, ông cũng đã tạo công ăn việc làm cho 7 đến 10 lao động thời vụ tại địa phương, với tiền công ổn định từ 200.000 - 300.000 đồng/một ngày/một người. Với mức thu nhập đó, sinh hoạt của nhiều gia đình trong bản đã cải thiện hơn.
Chị Lò Thị Hinh ở bản Chiềng Pấc, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, người làm công theo mùa vụ cho nhà ông Chơn cho biết: "Từ khi vào làm công nhân ở đây thì công việc của tôi lúc nào cũng ổn định, thu nhập cũng khá giả hơn. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Quàng Văn Chơn vẫn hăng hái chăm sóc vườn cây của mình, đồng thời giúp bà con trong bản cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống"./.
CTV Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc