Thu mùa vàng từ trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap
Mặc dù sinh ra trong một gia đình thuần túy làm nông nghiệp, nhưng để cải thiện kinh tế gia đình, gia đình ông Nguyễn Văn Sử, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, đã quyết định mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ. Nhờ từ đó kinh tế gia đình được cải thiện có tiền nuôi con cái ăn, học, xây dựng được nhà cửa khang trang và tích góp mua ô tô tải để phục vụ việc kinh doanh, buôn bán.
Nhưng việc buôn bán ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng nhiều, thu nhập của gia đình cũng bấp bênh mà lại vất vả đêm hôm bốc xếp hàng hóa để sáng sớm mang đi các chợ xa bán. Nghĩ vậy, đến năm 2000 vợ chồng ông quyết định bên cạnh buôn bán hàng tạp hóa vừa tập trung làm nông nghiệp. Nghĩ là làm, ông đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 02 ha rừng để trồng cây cam quýt. Cùng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, hàng ngày, ông luôn tìm hiểu kiến thức qua báo, mạng internet và các lớp tập huấn để nắm vững kiến thức về kỹ thuật chăm sóc trên cây có múi, phòng chống bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam. ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm nhất là trong khâu chọn giống có uy tín để phòng các bệnh và bảo đảm chất lượng. Bên cạnh lợi thế về thổ nhưỡng đất đồi giàu dinh dưỡng, ông Sử còn kết hợp cách chăm bón cây bằng phân hữu cơ nên cam, quýt rất ngon và sạch, chất lượng quả to, mỏng vỏ, nhiều nước và ngọt thơm. Trong quá trình sản xuất ông luôn suy nghĩ phải tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu của con người, không gây ô nhiễm môi trường...
Theo kinh nghiệm của ông Sử, do người dân thấy các loại cây ăn qủa có múi mang lại giá trị kinh tế cao nên đã ồ ạt trồng. Người dân chưa chú trọng tới quy trình sản xuất, thiếu kỹ thuật, khai thác kiệt quệ, không chú trọng bảo vệ môi trường khiến cây trồng bị nhiễm bệnh sau 3-4 năm trồng. Để việc sản xuất được bền vững, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của phòng nông nghiệp huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn ông đã mạnh dạn thực hiện xây dựng thành công mô hình VietGap với cây cam quý. Nhận thấy cây quýt mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên gia đình ông đã mạnh dạn nhân rộng mô hình vườn cây cam quýt lên khoảng 5 ha. Đến nay vườn cam, quýt của gia đình ông đang đến độ thu hoạch, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu trồng. Riêng năm 2019, tổng thu nhập của gia đình đạt 400 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, bình quân đạt hơn 11 triệu đồng/khẩu/ tháng và nhiều năm đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Năm 2018, ông đã tìm hiểu về tổ hợp tác thấy thuận lợi cho quá trình sản suất kinh doanh và quyết định thành lập tổ hợp tác Đồng Tiến chuyên sản xuất, cung ứng cây giống cho bà con nhân dân địa phương. Từ mô hình đó hàng năm gia đình ông tạo việc làm cho trên 10 lao động theo mùa vụ và lao động thường xuyên; cung ứng trên 5.000 cây giống cho bà con nhân dân địa phương và thực hiện liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm quýt, cam sành trong và ngoài tỉnh.
Kinh tế gia đình hiện nay ổn định, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, cam, quýt trên thị trường đang bị rớt giá do nhiều nhà vườn đã tăng diện tích lên gấp 2 lần khiến cam, quýt bị dư thừa. Tuy nhiên, cam, quýt sạch của ông Sử bao giờ cũng bán chạy vì chất lượng bảo đảm và rất được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, gia đình và bản thân tích cực phổ biến hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cho bà con trong thôn.
Anh Nguyễn Văn Sử là tấm gương tiêu biểu cho người nông dân mới: cần cù, chịu khó, ham học hỏi, biết áp dụng khoa học vào sản xuất, biết vận dụng phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thành công từ ý thức vươn lên, không ỷ lại của ông đã phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Linh Chi