00:00 Số lượt truy cập: 2986763

Trồng chanh leo ngọt - ứng dụng hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước và điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh 

Được đăng : 01/07/2021

 

Trong những năm gần đây, các tỉnh miền Tây trong đó có tỉnh Sóc Trăng luôn chịu tác động do hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp, giải pháp tích trữ nước ngọt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm trong tưới tiêu, ông Nguyễn Hữu Công (61 tuổi, ở ấp Phụng Sơn xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đã tự mày mò, sáng tạo thực hiện thành công mô hình “Trồng Chanh leo ngọt ứng dụng hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước và điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh” nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tối đa chi phí sản xuất, nhân công lao động. Bên cạnh đó, ông còn lai ghép thành công giống chanh dây ngọt có gốc từ dây nhãn lồng (lạc tiên) đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt ông là một trong những nông dân đầu tiên ở Sóc Trăng ứng dụng thành công công nghệ tưới tự động, tạo thương hiệu và bán hàng trên mạng xã hội.

Nhớ lại quá trình tìm ra giống chanh dây ngọt, độc, lạ của mình, ông Sáu Công chia sẻ: cách đây vài năm, trong lần đọc báo, ông biết về công dụng của trái chanh leo, rất tốt cho sức khỏe. Sau đó, ông đã tìm mua 10 hạt giống với suy nghĩ trồng vài dây để thu hoạch trái cho gia đình. Trong số 10 hạt có 5 hạt nảy mầm nhưng chỉ có 2 dây cho trái và trong 2 dây chanh đó có một dây trái độc lạ, vị ngọt thanh, mùi thơm rất đậm đà. Tuy nhiên, với vùng nước mặn, lại bị nhiễm phèn dây chanh leo sống không thọ, cho thu hoạch trái không lâu. Từ đó, ông lại tìm kiếm thông tin và nghiên cứu khắc phục nhược điểm cho cây chanh leo trên đất mặn.

Để nhân giống chanh lạ này, ông mày mò trên mạng rồi gọi điện hỏi kỹ thuật từ các thầy ở khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, thay gì bó phân ghép cây như cách làm thông thường, ông thử cắt thân cây nhãn lồng già ghép vào thân chanh dây. Sau 6 tháng lứa chanh dây gốc nhãn lồng đầu tiên cho trái chín có vị ngọt thanh và mùi thơm đậm đà hơn cả cây bố mẹ. Từ đó ông tiếp tục ghép cây, nhân rộng ra trồng 200 gốc chanh dây thành phẩm, để  lại gia đình trồng 15 còn lại là cho bà con trong xóm trồng thử. Ban đầu mọi người e ngại vì không thích vị chua của chanh dây, nhưng sau khi cho trái ngọt ai cũng thích và hỏi mua thêm cây giống về trồng, từ đó tui bắt đầu ghép chanh giống bán Sau 5 tháng lai ghép, với 15 dây chanh cho trên 300kg trái, với giá bán 60-100 nghìn đồng/kg, thu nhập từ chanh leo cao gấp 5 lần so với trồng dưa chuột hay bí, bầu… chanh leo này khi dùng chỉ cần chẻ đôi lấy muỗng múc hạt bên trong ăn hoặc dùng để pha thức uống kèm với đá lạnh đã có vị ngọt mát, mùi thơm hấp dẫn. Trồng chanh leo ghép nhãn lồng không tốn nhiều tiền đầu tư, chỉ cần mặt bằng rộng và giàn leo vững chắc. Nhờ ghép với gốc nhãn lồng, một loại dây leo hoang dã, nên chanh phát triển rất mạnh, đạt năng suất cao, không tốn nhiều phân bón và công chăm sóc, trái sẽ ra liên tục, có thời gian sinh trưởng từ 3 đến 4 năm. Tính từ năm 2019 đến nay ông thu trên 600 triệu đồng từ tiền bán chanh trái và chanh giống, chưa kể nguồn thu các mặt hàng nông sản khác Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã cung cấp cây giống cho cả nước trên 6.000 dây với giá 80.000 - 100.000 đồng/dây (bán hàng trực tiếp và online), hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại dây leo khác.

Để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô ngày càng gay gắt và giảm tối đa chi phí sản xuất, nhân công lao động, ông đã nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh. Là nông dân chân lấm, tay bùn, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên ông chỉ học được tới lớp 9, không được đào tạo nghành nghề nào, không kinh nghiệm chuyên môn nên việc tìm hiểu công nghệ cũng mất khá nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, tìm hiểu cách thức lắp dựng, rồi chuyển sang học tập sử dụng thành thạo internet, smartphone. Ông tiến hành phác thảo sơ đồ, rồi bắt tay vào thiết kế hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh. Hệ thống gồm máybơm điện, đường ống nhựa cách nhau 4 mét có 1 vòi phun, công tắc IP điều kiển wifi tầm xa, 1 cái điện thoại thông minh có kết nối mạng wifi, 4G. Thời gian triển khai lắp đặt hệ thống khoảng 02 ngày, chi phí 5.800.000 đồng/1.000 m2.

Hệ thống này giúp ông chủ động tưới nước cho vườn cây của mình mọi lúc, mọi nơi bằng cách điều khiển việc tưới cây bằng điện thoại thông minh thông qua kết nối công tắc IP được lắp trong nhà có kết nối wifi với phần mềm điều khiển cài trên điện thoại di động. Ông Sáu cho hay, đầu năm 2020 hạn mặn bắt đầu xâm lấn khóc liệt hệ thống tưới tự động cho 3ha chanh dây của mình đã  giúp ông giảm được vài triệu đồng chi phí thuê nhân công và tiền điện nước mỗi tháng. Cụ thể, với diện tích 3.500 m2 đất của gia đình nếu tưới theo truyền thống sẽ mất 1 công lao động trong thời gian 10 giờ thì nay chỉ còn 10 phút. Về chi phí tưới nước cũng giảm rất đáng kể, tiền điện tiêu thụ để vận hành hệ thống này một tháng chỉ tiêu tốn 22.500 đồng. Hệ thống tưới này rất dễ làm có thể tùy chỉnh, cải tiến theo nhu cầu của từng hộ gia đình, giá thành đầu tư cho hệ thống không cao, tuổi thọ có thể đạt 20 năm nếu thiết kế đúng quy cách.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, Ông đã ứng dụng rất hiệu quả Internet trong kinh doanh cây giống và chanh leo ngọt. Từ năm 2015 - 2016, ông Sáu đã xây dựng trang Zalo cá nhân và Facebook "Chanh leo ngọt Sáu Công" để quảng bá, giới thiệu về chanh leo ngọt trên mạng xã hội. Trên trang cá nhân của mình, ông Sáu đăng bài viết giới thiệu về kỹ thuật trồng chanh leo ngọt, giới thiệu sản phẩm, các bài viết của khách hàng, các bài viết từ các báo, đài… Để bài của mình được gây sự chú ý của đọc giả, ông Sáu thiết kế hình ảnh sinh động, phong phú; "chăm sóc" bài và trả lời khách hàng thường xuyên. Ngoài ra, ông còn được quay video clip và đăng tải trên các trang youtube, đài truyền hình các tỉnh trên cả nước với hàng triệu lượt xem. Khách hàng tin tưởng vào nguồn gốc, thấy được quá trình cách chăm sóc, trồng trọt của ông nên đặt hàng mua hết cả vườn hàng tháng trước mùa thu hoạch. Từ hiệu quả của mô hình, bình quân hàng năm gia đình ông thu nhập ổn định từ 350 triệu đến 450 triệu đồng, giúp cho 5 lao động có việc làm thường xuyên, 10 lao động làm việc theo thời vụ và có thu nhập trung bình từ 200 – 300 ngàn đồng/người/ngày.

TB

 

binh3
Khách hàng đến tìm hiểu sản phẩm chanh dây ngọt của ông Nguyễn Hữu Công (áo trắng)