00:00 Số lượt truy cập: 2991046

Trồng thanh long ruột đỏ trên vùng đất cằn 

Được đăng : 18/03/2020
Phá bỏ cây chè truyền thống, ông Trần Ngọc Sơn ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đầu tư trồng 3000 cây thanh long, 200 cây hồng ngâm, đem về doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

guong2

Ông Sơn đang chăm sóc cây thanh long ruột đỏ(ảnh danviet.vn)

Như một tấm gương sáng, lá cờ đầu trong phát triển kinh tế gia đình, cũng như giúp đỡ cho hàng chục hộ gia đình khác khá giả lên nhờ làm và học theo, bà con nông dân ở xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, ai là không cũng biết đến Trần Ngọc Sơn, người kiếm được cả tỷ đồng mỗi năm từ viêc trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đồi đất khô cằn.

 Ông Sơn cho biết, vào khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ông được nhà nước cho thuê hơn 30ha đất đồi, cằn cỗi ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện. Khi được nhà nước cho thuê đất, cũng như bao người dân khác ở đây, ông chỉ biết trồng keo, trồng chè. Keo là cây nguyên liệu,  mất nhiều thời gian trồng và chăm sóc mới được thu hoạch, chi phí thuê đất, tiền nhân công cắt tỉa cành, tiền cây giống, phân bón, rồi còn được chẳng  đáng là bao. Còn với cây chè truyền thống thì mất nhiều phân bón, lại phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, cũng như tốn công chăm sóc và thu hoạch chiếm phần lớn, đầu ra thì bấp bênh, phụ thuộc vào các công ty thu mua chè nguyên liệu, rủi ro thì người trồng lại chịu hết., không hiệu quả.

 Năm 2007, khi thấy trên tivi nói về lợi nhuận của cây thanh long ruột đỏ, ông cũng đi mua giống về trồng thử 200 trụ. “Ngày đấy có biết gì đâu, cứ nghĩ là cứ giống thanh long ruột đỏ là được. Vì vậy, tôi đã làm 200 cột rồi mua giống thanh long ruột đỏ Đài Loan về trồng. Không ngờ, cây phát triển chậm, quả bé và rụng nhiều nên ngay năm đầu tiên đã lỗ hơn 100 triệu đồng”, ông Sơn nhớ lại.

 Không nắm bắt kỹ thông tin về giống cũng như quy trình chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cây, thất bại ngay từ ban đầu nhưng ông Sơn không nản chí, sau khi tìm hiểu thông tin, ông đã khăn gói tìm đến Viện nghiên cứu rau quả trung ương để xin được tư vấn, chỉ cách trồng, chăm sóc, giúp chọn giống thanh long thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

 “Được các kỹ sư của Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam giúp phân tích thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, chuyển giao kỹ thuật trồng, giới thiệu giống thanh long Long Định 1, ông mạnh dạn đầu tư 3ha với 3000 trụ. Có kỹ thuật chăm sóc, cộng với giống tốt, hợp với loại đất nên cây thanh long phát triển tốt, ra nhiều quả, có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi nhanh chóng mở rộng mô hình, trồng hẳn 3ha với 3.000 cột”, ông Sơn vui vẻ tâm sự.

 Vừa làm vừa học, ông Sơn tự rút ra kinh nghiệm quý báu như biết tận dụng cỏ ủ với phân chuồng, kết hợp với chế phẩm hữu cơ để bón cho cây. “Sử dụng phân bón hữu cơ, đất vừa tơi xốp, giúp cây phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh. Khi thấy sâu bệnh, tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun mà dùng chế phẩm hỗn hợp từ ớt, tỏi... để diệt. Nhờ đó cho ra những quả thanh long sạch, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, do quả thanh long phải có ánh sáng mới đem lại chất lượng tốt, nên đối với những thân nằm sâu bên trong tôi thường cắt bỏ, những thân cây mập, dài tôi mới để cho 2 - 3 quả, còn lại tôi chỉ để 1 quả thôi”. “Với hơn 3.000 cột, mỗi năm tôi thu hoạch được trên 30 tấn quả với giá thành giao động tương đối ổn định ở mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình cũng thu về hơn 600 triệu đồng”, ông Sơn cho biết thêm.

Ngoài thanh long ruột đỏ, ông Sơn còn trồng thêm 200 cây hồng ngâm. Với giá bình quân khoảng 22.000 đồng/kg và sản lượng khoảng 5 tấn quả/năm, ông cũng thu thêm được hơn trăm triệu đồng. Với hơn 20ha còn lại, ông trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả khác và đào ao thả cá, mỗi năm cũng thu về thêm được vài trăm triệu đồng nữa. Theo cách tính của ông Sơn, doanh thu hằng năm của gia đình cũng được cả tỷ đồng. Tuy nhiên, dù diện tích ít, nhưng cây thanh long vẫn là cây chủ lực đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức lương trên 5 triệu đồng khi đã trừ hết tiền ăn, sinh hoạt. Đặc biệt, ông còn cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây thanh long cho hơn 20 hộ gia đình ở khu Đồng Cỏ, giúp các gia đình này có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng những loại cây khác.

 

Trường Giang