Múa dân vũ ở xã Nam Hải, huyện Nam Trực.
Thông qua Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 16-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI về thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, Hội Nông dân (HND) huyện đã triển khai chương trình đến các cấp Hội và hội viên nông dân những nội dung trọng tâm, phù hợp để tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ đó, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tự nguyện hiến đất thổ cư, đất sản xuất của gia đình, đóng góp tiền, ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống đường điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn, xóm…góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc. Phong trào nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường, hội viên nông dân đã tích cực chỉnh trang khuôn viên gia đình; phân loại rác thải, đào hố xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh đồng ruộng, vệ sinh nghĩa trang nhân dân. Đến nay, HND các xã, thị trấn đã vận động nông dân đào 685 hố rác tại hộ gia đình, 16.456 hộ sử dụng thùng ủ và hố rác có nắp đậy xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh; xây mới và khôi phục gần 1.000 bể, thùng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng; tham gia vệ sinh môi trường “Ngày chủ nhật xanh” tuần đầu hàng tháng, vệ sinh nghĩa trang nhân dân.
Thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tham gia tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất. Bình quân hàng năm, toàn huyện có trên 13 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến như: ông Đỗ Duy Bắc, thôn Thượng, xã Điền Xá với nghề trồng hoa cây cảnh; Ông Nguyễn Văn Thế, xóm Thắng Hùng; ông Bùi Văn Luận, xóm Thắng Toàn, xã Nam Thắng với nghề trồng cây cảnh và cỏ Nhật, cho thu nhập từ 400 đến 700 triệu đồng/năm. Ông Lê Trung Thành, ông Hoàng Văn Tùng ở xã Nam Toàn phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm. Cơ sở may của hội viên Nguyễn Văn Thành, xã Hồng Quang thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 25 lao động có mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng... Đồng thời, với phát triển sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân còn tham gia phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Toàn huyện hiện có gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 220 doanh nghiệp, 7 làng nghề, thu hút trên 20 nghìn lao động có việc làm ổn định.
Hàng năm, các cấp Hội phát động, tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, toàn huyện có 26.844 hộ đăng ký (chiếm 60% số hộ nông thôn). Với ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu, nhiều hội viên đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội viên nông dân còn tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; khai thác, chế biến những mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị hàng hóa cao của địa phương, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm từ các chuỗi liên kết để trở thành sản phẩm OCOP. Các cấp Hội còn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ về nguồn vốn, dịch vụ nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý nguồn uỷ thác Quỹ Hỗ trợ nông dân tại các xã, thị trấn, các cấp HND trong huyện tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp với các tổ chức tín dụng nhận tín chấp, uỷ thác cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất…
Thực hiện tiêu chí về quốc phòng - an ninh, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Công an vận động nông dân thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự. Trong những năm qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền về nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho 5.150 lượt cán bộ, hội viên. HND các cấp còn vận động gia đình hội viên, nông dân thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và chính sách hậu phương quân đội. Động viên con em nông dân đi khám tuyển và sẵn sàng lên đường nhập ngũ, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng; đóng góp xây nhà tình nghĩa; thăm hỏi tặng quà các đối tượng chính sách, hội viên nông dân nghèo nhân các ngày lễ, tết…
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, hội viên nông dân huyện Nam Trực đã tích cực tham gia các phong trào thi đua sản xuất góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Hằng năm, hộ khá, hộ giàu đã tăng lên rõ rệt, hộ nghèo ngày cảng giảm đi, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh vững chắc tại cơ sở, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang đổi mới. Đến nay, toàn huyện đã có 19/20 xã, thị trấn được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đảng bộ và nhân dân huyện đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.
Tiến Trình
|