Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT đến năm 2020 diện tích cây trồng có áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 529.000 ha, (tăng 91% so với năm 2017, tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015), vượt 6% so với kế hoạch đề ra. Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phần lớn được áp dụng cho cây lâu năm (chiếm 62%) gồm một số cây trồng chính như cà phê, chè, hồ tiêu, nhóm cây ăn quả (cam, xoài, chuối, thanh long); cây hàng năm chiếm 22%, gồm một số cây chính như mía, sắn, ngô; rau, hoa chiếm 16%.
Đến nay việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng cạn được áp dụng ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Cả nước hiện có 13 tỉnh, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy lợi gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; 49 tỉnh, thành phố trên cả nước rà soát, điều chỉnh, lồng ghép tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong các quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương và các quy hoạch liên quan khác. Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cụ thể: Đông Nam Bộ 181.000 ha, Tây Nguyên 142.000 ha, Đồng bằng sông Cửu Long 111.000 ha, Nam Trung Bộ 44.000 ha, vùng thấp nhất là Bắc Trung Bộ (hơn 9.000 ha).
Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. Theo đó, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng từ 10-50%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 10-90%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3-60%; góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10-30%, thu nhập của người dân từ 10-50%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc tưới tiên tiến, tiết kiệm không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả về năng suất, thu nhập và giảm các chi phí mà còn là giải pháp rất quan trọng để chủ động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 năm vừa qua chương trình vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, nhận thức của các cơ quan quản lý, người dân ở một số địa phương về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hời hợt, chủ quan. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhưng khả năng thực hiện, triển khai thực hiện không được nhiều, rất ít địa phương đầu tư kinh phí cho việc này. Dẫn tới, thiếu nguồn lực, có những nơi đủ nguồn lực thì triển khai chưa bài bản.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc khuyến khích, hỗ trợ áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chính là góp phần hỗ trợ thiết thực đối với ngành nông nghiệp trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Để khuyến khích hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, trong thời gian tới rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước chẳng hạn như nguồn vốn tín dụng để đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập dưới tác động của biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.Trong đó, phải tăng cường áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp.
Định hướng giai đoạn 2021-2025, đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000-800.000 ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn; Tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng quy hoạch thủy lợi vùng, tỉnh; Gắn phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo lợi thế vùng, miền, tập trung vào các nhóm cây chủ lực như cây ăn quảvà cây công nghiệp lâu năm, cây công nghiệp hàng năm…; Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ lập, thiết kế dự án gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
TB