Mô hình trồng chè VietGAP tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", giai đoạn 2017 - 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Tuyên Quang đã huy động hội viên nông dân đóng góp 18,977 tỷ đồng, trên 78.600 ngày công lao động, hiến trên 47.100 m2 đất, làm mới, sửa chữa được 2.032,4 km đường giao thông nông thôn. Các cấp Hội hỗ trợ làm mới và sửa chữa 808 nhà ở cho hội viên nông dân nghèo.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng 35.000 mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi lợn thảo dược liên kết theo chuỗi của ông Phạm Ngọc Sáng ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương cho thu nhập trên 20 tỷ đồng/năm; mô hình chè VietGAP của tổ hợp tác chè thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; mô hình miến dong Hợp Thành của ông Phạm Đình Thắng ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Bà Đào Thị Mai - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới". Riêng trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 4 hoạt động đột phá, đổi mới. Đó là: xoá nghèo và xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên nông dân; xây dựng 3 công trình vệ sinh cho hội viên nông dân; thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; hỗ trợ hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP của địa phương.
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, Tuyên Quang đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đến 100% chi hội trên địa bàn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, bình quân hàng năm, số lượng hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đạt 63% so với hộ nông dân; trong đó qua bình chọn số hộ đạt danh hiệu chiếm 50% số hộ đăng ký.
Đến nay, số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 174.173 hộ. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm trồng thủy sản kinh doanh tổng hợp đều thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; đặc biệt có những mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Kiên Đài là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hoá nên bước vào xây dựng nông thôn mới xã Kiên Đài gặp không ít khó khăn. Song với sự cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chương trình nông thôn mới đã đem lại sự khởi sắc rõ nét trên nhiều lĩnh vực của xã Kiên Đài. Tháng 4/2022 vừa qua, xã đã vinh dự đón nhận Quyết định công nhận xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nông Văn Ngôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Đài cho biết, Hội được Đảng ủy, UBND xã Kiên Đài phân công đảm nhận một số phần việc để tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Hội Nông dân xã Kiên Đài đã xây dựng các mô hình kinh tế để hội viên nông dân thực hiện, đồng thời từng bước nhân rộng những mô hình hiệu quả ra toàn xã như: mô hình trồng dưa chuột xuất khẩu, trồng ngô sinh khối vụ Đông, làm vườn rau mẫu trồng trên đất 2 vụ lúa; chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến cuối năm 2021 toàn xã có trên 30 mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như mô hình nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo của hộ ông Hà Văn Mận. Ông Mận cho biết: Hiện ông đang nuôi hơn chục con trâu bò. Để đàn trâu, bò phát triển hiệu quả, ông tiêm vaccine phòng bệnh đúng quy định. Hàng năm ông tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhờ đó, ông có kiến thức phòng bệnh cho trâu bò như bệnh đầy hơi, cước chân, long móng... Bình quân mỗi năm ông có thêm từ 7 đến 8 con bê, nghé con; doanh thu bán trâu, bò giống, thương phẩm trên 100 triệu đồng/năm.
Còn bà Đặng Thị Tâm, thôn Nà Chám, xã Kiên Đài cho biết, nhiều diện tích đất vườn trước đây gia đình bỏ hoang không canh tác. Nhưng từ nhiều cuộc họp ở bản, cán bộ xã, cán bộ huyện đã tuyên truyền, phân tích về việc xây dựng các mộ hình kinh tế. Gia đình bà đã cải tạo gần 6.000 m2 vườn tạp trồng hơn 400 cây cam sành và trồng hơn 5ha rừng keo. Nhờ trồng rừng, cây ăn quả, gia đình bà Tâm có có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.
Phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Tuyên Quang đã góp phần chung sức cùng các cấp, ngành, địa phương xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 54 xã đã được công nhận nông thôn mới, 8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.
Phạm Hưng