Ba Sấm là tên thân thuộc của ông Lê Văn Sấm sinh năm 1958 ở Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ông được xem là người đầu tiên mở màn phong trào nuôi tôm biển, nuôi tôm công nghệ cao, từ con tôm sú đến tôm thẻ chân trắng. Ông Ba Sấm hiện là thành viên của Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú. Chia sẻ về “cái nghiệp” nuôi tôm của mình, ông cho biết sau gần 20 năm nỗ lực không biết mệt mỏi, học hỏi kinh nghiệm từ những lần thất bại, đứng dậy rồi vấp ngã, đến nay ông Lê Văn Sấm đang gặt hái thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trên tổng diện tích sản xuất hơn 50 ha, mang lại doanh thu bình quân 40-50 tỷ đồng/năm.
Năm 2006, khi vừa về hưu, ông Ba Sấm bắt đầu cải tạo ao nuôi, chính thức bước vào chặng đường khởi nghiệp với con tôm. Thời gian đầu, ông liên tục trúng vụ và trở nên có tiếng tăm trong huyện về nuôi tôm, trở thành tấm gương cho các hộ trong xã và vùng lân cận noi theo, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm. Sau nhiều vụ trúng giá và sản lượng tốt, bà con quê ông đổi đời. Phong trào nuôi tôm biển từ đây được nhanh chóng phát triển ở các xã biển của huyện Thạnh Phú.
Tuy nhiên, đến năm 2012, sau thời gian dài nuôi tôm theo cách truyền thống, hệ thống ao bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước suy giảm, khiến năng suất tôm liên tục lao dốc, tôm chết hàng loạt, ông Ba Sấm chịu thiệt hại nặng nề. Hầu hết người nuôi tôm trong tỉnh đều thất vụ, rơi vào tình trạng thua lỗ, nhiều người phải bỏ ao, nợ nần. Ông Sấm cũng không tránh khỏi. Thời gian này, ông rơi vào tuyệt vọng, không biết cách nào để duy trì nghề nuôi tôm. Thậm chí, đôi lúc chán nản ông muốn bỏ nghề.
Nhưng rồi “sau cơn mưa trời lại sáng”, cuối năm 2015, ông Ba Sấm được bạn bè giới thiệu tham quan các mô hình nuôi mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ông cất công tìm hiểu kỹ thuật nuôi tại các trang trại lớn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Nai … Nhận thấy uu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Ông Sấm liền mạnh dạn đầu tư thử nghiệm xây 1 ao 1.000m2, hơn 200 triệu đồng. Cái duyên nuôi tôm một lần nữa xuất hiện, kỳ tích được tái lập, 1.000 m2 ao nuôi tôm trúng lớn nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, Ông đã thu về 8 tấn tôm, doanh thu 800 triệu đồng. Từ đó, ông mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Ba Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.
Ông Sấm cho biết: "Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao chi phí sẽ cao hơn rất nhiều lần so với mô hình truyền thống, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn, thu lãi về ngay từ vụ đầu tiên và "ăn bền hơn".
Đặc biệt, quá trình nuôi cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Người nuôi phải đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và các ao lắng. Đáy ao lót bạt, thay nước thường xuyên, tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển. Nguồn nước trước khi đưa vào ao hoặc thải ra đều phải qua xử lý. Đồng thời, tách ao theo các giai đoạn. Giai đoạn 1 là tôm post; giai đoạn 2 là sau 24 ngày, chuyển qua các ao nuôi; giai đoạn 3 là khi tôm đạt size dưới 100 con/kg, sẽ tiếp tục chia nhỏ ra các ao thương phẩm".
Với kinh nghiệm hơn 10 năm áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, ông Sấm bố trí các ao nuôi xoay chuyền, mỗi tháng đều có ao thu hoạch và thả mới, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, năng suất tôm tăng nhiều lần, điều này bù lỗ được thua lỗ nếu tôm rớt giá. Đó cũng là yếu tố quyết định để ông duy trì nghề nuôi tôm biển và thành công đến hôm nay.
Chính sự ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, nông dân Lê Văn Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với diện tích nuôi trên 50 ha, sản lượng trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha, mỗi năm lượng tôm thịt ông Sấm bán ra thị trường trên 1.000 tấn. Trừ các chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận trên 50 tỷ đồng. Ông Ba Sấm trở thành một trong những nông dân tỷ phú có diện tích nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất huyện Thạnh Phú nói riêng và cả ba huyện biển trong tỉnh Bến Tre nói chung. Hiện tại, Ông Lê Văn Sấm đang giải quyết việc làm cho trên 110 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm. Với hiệu quả cao trong viêc nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Ba Sấm được vinh dự là Nông dân xuất sắc kinh doanh giỏi toàn quốc 2023.
Từ thành công của người nông dân tỷ phú trong nuôi tôm công nghệ cao đã khẳng định: Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao là giải pháp phát triển ngành nuôi tôm bền vững, giúp người nông dân có thể làm giàu ngay trên vùng quê biển. Cũng từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tập hợp được nhiều nông dân, hình thành câu lạc bộ nông dân tỷ phú.Qua hoạt động của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú, khẳng định hiệu quả từ các mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân tỉnh Bến Tre thành lập và nhân rộng. Cách làm đã tạo sự đồng thuận lớn, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra./.
Phùng Hà