Ông Mùi giới thiệu hệ thống máy ấp trứng vịt lộn
Như nhiều khu vực nằm bên cạnh dòng sông Thương hiền hòa nhưng ghi đầy dấu tích lịch sử chống giặc oai hùng, Tân Liễu vốn là vùng đồng chiêm trũng. Người dân địa phương nơi đây chỉ cấy lúa một vụ Chiêm, còn vụ Mùa thì là một cánh đồng nước trải rộng, người dân mưu sinh bằng việc đánh bắt con tôm, con cá đợi cho đến ngày nước rút, hoặc còn lại là kéo nhau đi làm thuê nhiều nơi khác. Và cũng chính những năm tháng ngâm mình trong nước để bắt con tôm con cá mưu sinh, cái đói cái lạnh nó ngấm vào da vào thịt lâu năm có lần suýt chút nữa nó cướp đi sinh mạng của ông.
Thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, cơ chế chuyển đổi đất canh tác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình ông Mùi mạnh dạn thuê thêm ruộng, nhận thầu thêm các vùng đầm trũng để cấy lúa và nuôi cá. Năm 2002, tổng diện tích canh tác của nhà ông có tới hơn 5 mẫu, trong đó 2 mẫu trồng lúa và 3 mẫu còn lại để thả cá. Để thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất, ông Mùi đề xuất thôn, xóm dùng nguồn vốn từ đấu thầu ruộng để làm con đường rộng 4m, dài hơn 1km, phục vụ cho việc quy hoạch, chỉnh trang khu vực làm trang trại của gia đình và các hộ dân liền trong xóm, thôn.
Tuy nhiên, thời gian đầu bắt tay vào phát triển trồng lúa và nuôi cá không đem lại hiệu quả như mong muốn do một số hạn chế: vấn đề nguồn vốn đầu tư, vấn đề kỹ thuật canh tác, vấn đề nhân công… Và năm 2007, ông đã quyết định đưa cả nhà vào miền Nam "làm kinh tế". Vợ chồng ông thì buôn bán, còn 2 cô con gái thì vào công ty làm công nhân khu công nghiệp, thu nhập gia đình tăng gấp đôi so với lúc ở quê.
Lập nghiệp phương xa với mức thu nhập cũng tạm ổn vì các thành viên tron gia đình đều kiếm được thu nhập, trong ông Mùi vẫn luôn canh cánh trong lòng những ấp ủ bao toan tính còn dở dang nơi quê nhà. Rồi vợ chồng ông còn đi Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động 2 năm rồi mới trở về quê. Và rồi khi tích cóp được lưng vốn ông quyết định quay trở về quê để xây dựng, để sản xuất từ năm 2011. ông bắt tay xây dựng trang trại quy mô lớn để nuôi vịt. Đến năm 2014, gia đình ông mới hoàn chỉnh về quy mô trang trại và đầu tư hệ thống máy ấp trứng vịt lộn. Vợ chồng ông quyết định chọn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với 3.000 con ở hai khu, mỗi khu được xây tách bằng tường xây và rào lưới, có cổng ra vào riêng, chuồng lắp bể nước sạch, máng ăn chuyên dụng, có đệm lót sinh học, có hố sát trùng sạch sẽ. Vì vậy đàn vịt của vợ chồng ông Mùi ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Từ nuôi vịt lấy thịt, dần dần ông chuyển sang nuôi lấy trứng, rồi học ấp trứng lộn.
Trở ngại ban đầu với ông Mùi là vấn đề về kỹ thuật, đầu ra và vốn. Với sự giúp đỡ của anh em bạn bè, vợ con đồng lòng nên ông đã quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, các trang trại, học hỏi những người có kinh nghiệm chăn nuôi vịt đẻ trứng có năng suất cao, rồi ấp thành trứng vịt lộn và con giống. Ông Mùi cho rằng mình đã rất may mắn khi được được một anh chủ lò ấp nhà ở gần chợ Bỉ (Tân Yên) hướng dẫn rất nhiệt tình, thậm chí về tận gia đình để chỉ dẫn cho ông. “Tôi được hướng dẫn cách để vịt con nở ra được đẹp; giải thích nguyên nhân trứng chết phôi, cách khắc phục” - ông Mùi chia sẻ. Nghề dạy nghề, những kinh nghiệm đó được ông Mùi tích lũy và áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo.
Từ hai máy ấp trứng ban đầu, 3000 vịt bố mẹ đến nay gia đình ông đã đầu tư mở rộng, nâng lên thành 7 máy ấp trứng, 5000 vịt bố mẹ, trong đó có 6 máy ấp trứng vịt lộn, 1 máy ấp con giống. Với số lượng máy này, ông không chỉ ấp trứng vịt của gia đình mà còn thu mua trứng từ 7 hộ thành viên trong Hợp tác xã Tiến Phát do ông làm Giám đốc. Được biết mỗi năm gia đình ông thu lãi 1,5 – 1,6 tỷ đồng
Chỉ tính riêng trại vịt nhà ông cung cấp ra thị trường 13 vạn trứng lộn/tháng; có 7 hộ thành viên trong HTX Tiến Phát liên kết với ông, nhỏ lẻ hơn mình cũng tiêu thụ cho 8-10 vạn quả trứng/tháng; còn lại là trứng trắng, cấp cho thương lái. Ông Mùi cho biết cứ mỗi quả trứng vịt lộn ông sản xuất ra từ trang trại, cho vào máy ấp và bán ra thị trường, gia đình ông thu lãi 1.300 đồng, trong khi bán trứng thường chỉ thu lãi 500 đồng/quả.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đánh giá cao mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng ấp thành trứng vịt lộn và con giống của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Văn Mùi. Đây là một trong những mô hình mạnh dạn, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Anh Nguyễn Văn Mùi luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học và giúp đỡ các hộ trong xóm, trong xã để cùng phát triển sản xuất kinh doanh và luôn luôn lấy chữ tín làm hàng đầu và thành công của anh cũng là thành công chung của HTX do anh làm Giám đốc" - ông Lã Văn Đoàn khẳng định.
Mai Loan