Những luống chè xanh mướt không phụ công sức của ông Phan Đình Đường
Sinh ra trong một gia đình có có nghề y truyền thống, sau khi học xong cấp 3, ông Phan Đình Đường (Sinh năm 1962) trú tại xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng theo nghề bốc thuốc cứu người của cha ông để lại. Ông được xã tín nhiệm cho đảm nhiệm vị trí y tá thôn bản của xã Hạnh Lâm.
Ông Đường cho biết, thời kỳ cuối thập niên 80, cuộc sống người dân nơi đây nghèo lắm, lúa thì mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ, thời gian và công việc còn lại bà con nơi đây trông nhờ cả vào việc khai thác rừng, coi rừng là nguồn tài nguyên nuôi sống con người bao đời nay. Nhưng rồi tài nguyên rừng cũng ngày cạn kiệt, rừng bị con người khai phá, tận diệt, đất đai ngày càng trở lên cằn cỗi, bạc màu, đến lúc con người phải tái sinh cho đất, trả lại mà xanh cho rừng.
Làm y tá thôn bản, bốc thuốc để cứu người, nhưng cũng vẫn phải ăn, phải sống để còn làm việc, còn sức giúp dân, cũng như bao người khác, gia đình ông cũng phải khai khẩn, vỡ đất trồng cây, trồng rừng để còn có cái ăn, cái mặc. Ngoài thời gian làm việc ở xã, ông cùng vợ con vác cuốc, vác dao vào rừng khai phá đất trồng cây. Ban đầu, ông cũng trồng thử nhiều loại cây lấy gỗ, cây ăn quả loại quả theo phong trào của bà con địa phương nhưng thấy cây trái phát triển không tốt, hiệu quả kinh tế thấp do các loại cây ông trồng không phù hợp thổ nhưỡng. Sau nhiều năm loay hoay chuyển đổi, ông đưa cây chè xanh vào trồng thử nghiệm nơi mảnh đất mình mới khai hoang, và thấy cây chè bén rễ và rất phú hợp với điều kiện khí hậu thời tiết nơi đây.
Người dân xứ Nghệ nổi tiếng với bát nước chè xanh, lá chè thu hái về được người dân vò kỹ, cho vào hãm với nước xôi rồi đem ra mời mọi người, nước chè xanh trở thành đặc sản của người dân xứ Nghệ. Chính vì điều này mà ở thời điểm đó, người dân nơi đây ít khi dùng chè khô, nên sản phẩm của cây chè chủ yếu được tiêu thụ tươi ngay khi thu hái. Mỗi gia đình chỉ cần trồng vài cây chè trong vườn nhà là có chè tươi uống quanh năm. Vậy nên, mặc dù là người tiên phong trong việc đưa giống chè năng xuất, chất lượng về đây nhưng những năm đầu việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Đường hết sức khó khăn, chỉ biết hái chè, rồi bó thành từng bó chở bằng xe đạp đi bán cho người dân ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương và một số địa phương khác. Mọi lo toan vất vả cơm áo gạo tiền vẫn lẩn vào suy nghĩ của ông Đường trong nhiều đêm không ngủ. Không thể làm ăn theo nếp cũ được, ngày ngày đạp xe đi bán lá chè tươi dạo vậy thì không thể khá được. Nghĩ là làm, ông Đường nghiên cứu, tìm hiểu cách cách sao chè, đóng gói chè rồi tìm cách đưa sản phẩm của mình ra ngoài thị trường với thương hiệu sản phẩm chè xanh Đường Hương từ nhũng ngày đầu năm 2000.
Thấy cây chè của ông Đường phù hợp với thổ nhưỡng, nhiều hộ gia đình trong xã Hạnh Lâm mạnh dạn đưa cây chè vào canh tác làm theo gia đình ông Đường, và chỉ 1 năm sau đã có nhiều đồi chè được thu hoạch. Với lợi thế sẵn có, cơ sở sao chè đóng gói của ông Đường đứng ra cam kết với người dân thu mua bao tiêu sản phẩm của người dân, thời điểm đó, người dân trong xã ai ai cũng hết sức vui mừng vì được bao tiêu đầu ra cho cây chè.
Thấy công việc làm ăn có hướng tiến triển tốt, vừa phát triển được kinh tế gia đình, vừa giúp đỡ bao tiêu cây chè cho bà con, ông Đường quyết tâm phát triển mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một mình ông khăn gói đến các tỉnh thành thủ phủ chè như Yên Bái, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Đắc Lắc...để nghiên cứu mua máy móc thiết bị đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm trà xanh Đường Hương.
Mở rộng, làm lớn thì phải đầu tư, bài toán khó khăn về vốn ban đầu được ông giải quyết bằng nguốn vốn tích lũy sau nhiều năm và vay mượn anh em bạn bè, người thân. Vì là người có uy tín trong cuộc sống nên ông được nhiều người quý mến, tin tưởng, sẵn sàng mở hầu bao giúp đỡ ông lập nghiệp. Và chỉ sau vài năm, ông đã tích góp và trả hết nợ, tái đầu tư bằng việc còn mở rộng được xưởng sản xuất, thuê thêm nhân công và đầu tư cho chất lượng sản phẩm vào năm 2004. Sản phẩm của cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Afghanistan, Ả rập xê Út và nhiều thị trường khác.
Hiện nay, ngoài 3 ha chè của gia đình, với 2.000m2 nhà xưởng chế biến chè khô, cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương đã nhận bao tiêu hơn 100 ha chè của người dân trong vùng. Được biết, mỗi ngày cơ sở Đường Hương thu mua của người dân khoảng 20 tấn búp chè tươi. Ngoài việc trồng chè, gia đình ông Đường đầu tư trồng 30ha keo, trung bình mỗi năm thu hoạch 105 tấn keo đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình. Tổng doanh thu từ việc trồng chè, trồng keo, sao chế biến chè đạt 20 tỷ/năm, lợi nhuận sau chi phí đạt 1,2 tỷ đồng. Việc kinh doanh thêm hàng tạp hóa; dịch vụ phân bón và kinh doanh vận tải mỗi năm co thu nhập 580 triệu đồng, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng.
Phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ ở địa phương với thu nhập 5 -7 triệu đồng/tháng; tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, như làm đường nông thôn, hàng năm ủng hộ quỹ hộ nghèo 40 triệu đồng, quỹ hiếu học, quỹ chất độc da cam.... gia đình ông Phan Văn Đường xứng đáng là tấm gương sáng để người dân noi theo. Với nhữn thành tích đạt được và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, gia đình ông Phan Văn Đường được nhiều cấp, ngành vinh danh và khen thưởng. Vinh dự lớn nhất với ông gần đây là được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021.
Ánh Dương