00:00 Số lượt truy cập: 2989473

Tỷ phú nông dân với hàng trăm héc ta lúa 

Được đăng : 10/08/2021
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, anh Nguyễn Văn Khanh (ở ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đã sở hữu cánh đồng lúa rộng đến 120ha trồng 2 giống lúa Đài thơm 8 và Nàng hoa 9 với phân nửa diện tích trồng lúa VietGAP, mỗi năm thu lãi gần 10 tỷ đồng.

lua 

Anh Nguyễn Văn Khanh đang kiểm tra ruộng lúa 

Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nên anh Khanh rất gắn bó và “mê làm ruộng”. Năm 2005,cha mẹ anh chia cho mỗi anh em 11 ha đất ruộng để làm của hồi môn. Lúc này anh bàn bạc với các anh em trong gia đình cho anh thuê lại toàn bộ diện tích để canh tác tập trung, mỗi năm anh trả lãi bình quân 1,8 triệu đồng/công (1000m2). Lúc đầu, được giao tổng cộng 80ha cho một mình anh sản xuất, anh lo lắm, không biết mình làm ăn ra sao. Ngoài nguồn vốn kiến thức sẵn có, anh mày mò tích lũy vốn kiến thức từ những nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, một số tỉnh lân cận, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), sách vở và báo, đài. Bên cạnh đó, để giảm giá thành sản xuất cũng như không lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết, anh đã chủ động đầu tư hơn 5 tỷ đồng tích góp được để mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, gồm: 4 máy bơm điện, 2 máy cày, 2 máy xới, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 lò sấy 20 tấn, xây dựng kho chứa lúa 400 tấn... Rồi xây kho chứa lúa, thuê nhân công trang sửa mặt ruộng, nạo vét đường nước tưới-tiêu và nhất là chọn một loại giống lúa Nhật để canh tác.

 Năm 2012 tình cờ thông qua báo đài, anh biết đến giống lúa Nhật ĐS1 có năng suất cao, giá cả so với lúa mình thì ổn định hơn. Vì vậy, anh cất công sang tận An Giang để học hỏi từ người dân canh tác giống lúa này và tìm tòi kỹ thuật trồng. Sau một thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, anh nhanh chóng nhập giống lúa này về canh tác thử. Năm 2012 anh đã mạnh dạn dùng số tiền tích góp nhiều năm làm lúa đã mua thêm 40 ha đất lân cận, nâng tổng số đất anh sở hữu lên 120 ha. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật nên vụ nào anh cũng thắng đậm trồng lúa Nhật, với mức giá được các doanh nghiệp, công ty đến tận ruộng thu mua lúa tươi từ 6.500 – 6.700 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, trả tiền thuê mướn nhân công… mỗi năm anh lãi ơn 6 tỷ đồng.

Đến vụ đông xuân 2019, do nhu cầu thị trường thay đổi, đầu ra lúa Nhật gặp khó nên anh Khanh đã chuyển toàn bộ 120ha ruộng sang trồng 2 giống lúa Đài thơm 8 và Nàng hoa 9. Trong đó, anh Khanh dành phân nửa diện tích trồng lúa VietGAP giúp giảm chi phí sản xuất,hạn chế tác hại của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và nâng cao chất lượng hạt lúa, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giá bán được nâng lên… Nhờ đó mỗi năm anh Khanh thu lợi nhuận lên tới gần 10 tỷ đồng. Ngoài trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Khanh còn thí điểm 3ha lúa hữu cơ. anh chia sẻ: "Mặc dù làm lúa hữu cơ năng suất sẽ giảm, nhưng bù lại chất lượng gạo sạch, ngon và bổ dưỡng, bán giá cao hơn. Nếu làm thí điểm 3ha lúa hữu cơ hiệu quả, tôi sẽ mở rộng, đưa cơ giới hóa vào để giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…". Bên cạnh đó, gia đình anh còn có nguồn lợi nhuận trên nửa tỷ đồng mỗi năm từ dịch vụ cho thuê xe ô tô các loại để đưa khách đi du lịch, khám bệnh…

Mô hình sản xuất lúa của gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng; đồng thời đóng góp mỗi năm hàng chục triệu đồng cho các chương trình từ thiện của địa phương.

Với những thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, sáng tạo trong lao động, từ năm 2012 đến nay, anh Nguyễn Văn Khanh nhận được nhiều Bằng khen từ Hội Nông dân, UBND huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, anh được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.

TB