00:00 Số lượt truy cập: 2940886

Tỷ phú sầu riêng vẫn hăng say ở tuổi xưa nay hiếm 

Được đăng : 18/12/2023
Ông là nông Lê Văn Sáu (tên thường gọi Sáu Bờ, SN 1944, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), người đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với cây sầu riêng để phấn đấu vươn lên. Thành công của ông có được ngày hôm nay là cả một quá trình hăng say lao động và làm việc, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, đôi khi cả những giọt nước mắt đắng cay đổ xuống để cho nhưng cây sầu riêng đơm hoa kết trái như ngày hôm nay.


Với 3ha sầu riêng, ông Sáu thu về khoảng 1 tỉ đồng/năm. Ảnh: Chúc Ly

Ông Sáu Bờ giới thiệu trái sầu riêng của vườn nhà 

 

Năm 1976, khi mới ra ở riêng vợ chồng ông được cha mẹ cho 5 công(5000m2) đất ruộng. Gần 10 năm trồng lúa nhưng do thời kỳ đó, biện pháp canh tác vẫn mang theo truyền thống, được bại phụ thuộc nhiều vào sự ưu đãi của thiên nhiên, khoa học kỹ thuật chưa được ứng dụng nhiều, giống tốt chưa có nên có siêng năng đến mấy cũng vẫn không đủ ăn. Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ lúa sang mía, rồi cam sành, trong một lần sang huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ, thấy nhiều người có cuộc sống khấm khá nhờ trồng sầu riêng, từ đó ông nuôi ý định chuyển sang trồng loại cây này.

Sau lần được Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho qua Tiền Giang thăm quan, học tập một số mô hình trồng cây sầu riêng, về nhà ông quyết tâm bắt tay vào việc. Ông cho cải tạo lại vườn, chuyển toàn bộ 5 công đất ruộng sang trồng sầu riêng khổ qua xanh, với khoảng 100 gốc. Ông tự mình tìm địa chỉ rồi đến nhiều nơi có diện tích sầu riêng lớn như: Chợ Lách (Bến Tre); Kế Sách (Sóc Trăng) để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào vườn cây nhà mình.

Sau 4 năm vừa chăm sóc vừa tự mày mò nghiên cứu, vườn sầu riêng của ông cho thu trái vụ đầu tiên. Ông vô cùng phấn khởi vì lợi nhuận từ trồng sầu riêng đạt gấp mấy chục lần trồng lúa. Tiếp tục những năm sau đó, vườn sầu riêng của ông Sáu trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả nhất ở xã. Tự tin, ông tiếp tục mở rộng tái đầu tư bằng cách tích lũy mua thêm và mở rộng diện tích đất trồng sầu riêng. Hiện nay diện tích trồng sầu riêng của gia đình ông Sáu đạt 6ha với 1.000 gốc, trong đó có 900 gốc đang cho trái, năng suất khoảng 15 tấn/ha, tăng khoảng 5 tấn so với những năm trước. Trong vụ sầu riêng năm 2022, ông thu hoạch được 95 tấn với giá giao động từ 45.000-48.000 đồng/kg. 

Sầu riêng là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại rất khó trồng, kén đất và nguồn nước. Ông Sáu đã phải mày mò và nghĩ ra nhiều cách để cây không bị ngập úng cũng như phát triển tốt bằng việc xẻ rãnh thoát nước theo từng ô. Còn để giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn đất khi tưới, ông trồng cỏ xung quanh gốc sầu riêng.

Nhận thấy nếu lạm dụng việc bón phân hóa học cho cây nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, dần chai cứng. Ông nghĩ ra cách dựng chuồng, treo lá thốt nốt để dụ dơi vào ở, lấy phân bón cho cây. Bằng biện pháp trên ông thu được khoảng gần 10 kg phân dơi mỗi ngày, nhờ đó mà vườn sầu riêng nhà ông lúc nào cũng xanh mướt, sai quả, thơm ngọt. Ông cũng tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/năm nhờ thu được nguồn phân từ dơi này. Từ đó ông chuyển sang trồng sầu riêng hữu cơ, ông nghiên cứu bón thêm phân bò sữa để tăng giá trị chất lượng cho quả sầu riêng.

"Trước khi trồng, cần phải làm đất thật kỹ, phần đất mặt dùng để vun vào gốc cây, còn đất bên dưới thì trải đều ra bên ngoài gốc. Khi cây phát triển, bộ rễ dài ra thì lớp đất bên ngoài cũng đã hết phèn, cây không bị ảnh hưởng. Nguồn nước phải đảm bảo sạch và thường xuyên được thay đổi, tránh để ứ nước quá lâu. Giai đoạn ra hoa, kết trái tuyệt đối không để cây dư nước, nếu gặp trời mưa nhiều phải tháo nước trong kênh, đảm bảo cây không ngập úng" – ông Sáu Bờ cho hay.

Nhận thấy thời gian tới đây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép giá trị thấp cả về năng xuất, chất lượng, nên ông đã chuyển dần những cây già cỗi trong vườn sang trồng được 100 cây sầu riêng Musang King. Hiện 100 gốc sầu riêng "vua" này đã 4 năm tuổi, dự kiến tháng 10 này ông sẽ bắt đầu cho trái. Trong thời gian tới ông tiếp tục chuyển dần những cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng giá trị cao Musang King.

Đảm bảo cho cây  sầu riêng vườn nhà, ông Sáu thường xuyên liên hệ với GS,TS Trần Văn Hâu - khoa Trồng trọt, trường Đại học Cần Thơ để được sự trợ giúp trực tiếp. Thấy ông Sáu cần cù, chịu khó học hỏi, GS Hâu còn đích thân xuống tận vườn sầu riêng của ông để hướng dẫn. Từ đó vườn sầu riêng 6ha nhà Sáu luôn là niềm mơ ước của bà con nông dân trong khu vực.

Chia sẻ thành công với 35 năm gắn bó với trái sầu riêng, ông Sáu Bờ chia sẻ: "Tất cả đều phải có sự hướng dẫn của nhà khoa học tôi mới có thành công như ngày hôm nay. Nông dân cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có nhà khoa học để hướng dẫn đúng kỹ thuật thì mới thành công. Chứ mình làm rồi tự rút kinh nghiệm sẽ rất khó thành công được".

2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021 ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba, được Trung  ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2017 – 2022) là những phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của ông Lê Văn Sáu. Mô hình trồng sầu riêng như của gia đình ông Sáu đã và đang được nhiều hộ gia đình học theo, từ đó có nhiều hộ đã thoát nghèo, điển hình có hộ đã trở nên giàu có. Việc nhân rộng mô hình góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, từ đó góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, tạo những điểm sáng trong phong trào cả nước chung tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

 

Hoàng Anh