Ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ, nông dân Phước Bình có nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cả vùng này vốn là vùng hoang hóa, khỉ ho cò gáy, nước thì nhiễm phèn, chỉ có cỏ năng, cỏ dại mới sống nổi. Trước đây, gia đình ông có 10 ha đất canh tác 2 vụ lúa/năm. Do đất bị nhiễm phèn, cây lúa thường phát triển chậm, năng suất thấp, lợi nhuận đạt được không nhiều. Hơn nữa, khu vực này lại cách xa khu dân cư, không đường, không điện nên giá đất nông nghiệp ngày trước còn rẻ. Nhờ phát triển kinh tế hộ cá thể, ông Sáu cứ tích cóp dần rồi mua lại đất nhiễm phèn bỏ hoang của bà con. Đến nay, cả phần đất thuê lẫn đất của gia đình ông đang canh tác tổng cộng khoảng 200ha. Riêng đất trồng khóm là 60ha.
Cơ duyên của ông đến với nghề trồng khóm bắt đầu từ năm 2017. Khi tỉnh Tây Ninh thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, cùng với đó là nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood sẽ xây dựng ở huyện Gò Dầu, ông đã suy nghĩ, đắn đo khi quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng khóm. Đầu tiên, ông quyết định bắt đầu chuyển 10ha trồng lúa sang trồng dứa. Do thời gian đầu do chưa có đê bao, mùa nước nổi khiến cây dứa chết nhiều, cộng thêm kỹ thuật chăm sóc chưa thành thạo khiến ông gặp rất nhiều khó khăn.
Không vội nản chí, ông lại được các cấp chính quyền, Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện để ông Sáu đi tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm, làm đê bao chống lũ. Nhờ vậy, ruộng dứa của gia đình ông Sáu dần sinh trưởng tốt, cho trái ngọt, đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha trong năm đầu tiên.
Thấy được hiệu quả kinh tế, ông Sáu cùng gia đình tiếp tục đầu tư, mua 20 ha đất và thuê thêm 30 ha của các hộ xung quanh để trồng dứa theo mô hình chuyên canh. Được lãnh đạo Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp tỉnh động viên; ông Sáu trở thành nông dân đầu tiên của tỉnh liều mình cải tạo đất nhiễm phèn để trồng khóm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy theo hợp đồng. Ong Sáu phải bắt tay cải tạo, đầu tư hơn 600 triệu đồng đắp đê bao quanh, làm hệ thống mương thoát nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đường giao thông nội bộ. Ông còn tận dụng nguồn nước tưới lấy trực tiếp từ sông, trong mùa nước nổi kết hợp dẫn dụ cá tự nhiên về trong ruộng dứa, tạo thành mô hình nuôi - trồng khép kín, hiệu quả cao.
Nhờ chăm chỉ, cần cù, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương về công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho khóm, mô hình trồng khóm của gia đinh ông cho hiệu quả cao. Để cung ứng sản phẩm ra thị trường và cho nhà máy chế biến đảm bảo chất lượng, ông luôn tuân theo quy trình sản xuất VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Trung bình, cứ mỗi ha khóm, sau 3 năm trồng sẽ có sản lượng khoảng 60 tấn. Toàn bộ sản phẩm được nhà máy bao tiêu theo giá hợp đồng là 6.000 đồng/kg.Với 60ha khóm hiện tại, ông Sáu thu lãi gần 5 tỷ đồng mỗi năm. Theo kinh nghiệm của ông, để cây dứa cho năng suất cao, chất lượng quả tốt lại tiết kiệm chi phí sản xuất, sau 4 năm trồng, chăm sóc mới cần thay gốc mới, thay vì trước đây sau 2 năm thu hoạch đã phải bỏ gốc.
Phát triển mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá, mới đây là làm thêm nhà nuôi yến, trồng lúa nếp, ông Sáu không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho gần 40 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ ở địa phương. Không chỉ sản xuất giỏi, ông luôn tích cực ủng hộ, đóng góp về vật chất và tinh thần để cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương, Hội Nông dân tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực như "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"…
Phúc Nguyên