Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có bước phát triển khá toàn diện, cả về quy mô, năng suất, sản lượng.Nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất bước đầu đã triển khai ứng dụng CNC vào một số khâu trong quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường.
Về sản xuất: Trong trồng trọt đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 1.500 ha đất canh tác cho cây ăn quả và cây trồng cạn, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực táo, nho, măng tây xanh; dự án trồng lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; đối với cây lúa áp dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser 55ha, đã triển khai áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trên 6.000 ha/vụ, về quy mô tăng 24 lần và giá trị tăng 1,5-1,8 lần/ha so với 2015. … Trong khai thác hải sản áp dụng CNC hệ thống máy siêu chụp thông minh, máy rada, đo sâu, dò cá; trong sản xuất giống thủy sản, các cơ sở đã làm chủ quy trình sản xuất giống nhân tạo với trình độ cao trong sản xuất tôm sú và thẻ giống bố mẹ; trong nuôi thủy sản có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 02 giai đoạn kết hợp cho ăn bằng máy tự động của nhóm G9.
Về công nghệ bảo quản, chế biến: Dây chuyền sản xuất bột Agar từ rong câu của Công ty Cổ phần Thạch Rong Câu Sơn Hải; công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm từ rong sụn, sản xuất hoạt chất Azadirachtin limonoid để làm thuốc trừ sâu, sản xuất phôi nấm các loại; dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cây Lô hội (Nha Đam) của Công ty Cổ Phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt; doanh nghiệp nho Ba Mọi, Thái Thuận ứng dụng hiệu quả công nghệ bảo quản nho, chế biến vang nho; dây chuyền chế biến trà măng tây của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận và Trang trại tiên tiến…
Đến nay tỉnh đã thu hút 15 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động cóhiệu quả với diện tích hơn 300 ha. Trong đó có các dự án đầu tư quy mô theo quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án dưa lê, dưa lưới 30 ha của Công ty Segull - ADC tại Phước Dinh (Thuận Nam), dự án tôm giống post CNC tại An Hải (Ninh Phước), dự án phát triển vùng nguyên liệu nho rượu của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận… Thực tế các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng CNC đều cho giá trị sản xuất trên 1ha đạt trên 300 triệu đồng, nhiều mô hình đạt lợi nhuận từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng/ha/năm như trồng dưa lưới, nho, táo, măng tây xanh, hoa lan, tôm chân trắng, ốc hương…
Tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp CNC.Theo Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận, năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đã chọn tạo và nhân rộng nhiều loại giống cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ như 22 giống măng tây, 9 giống ổi, 9 giống xoài, 8 giống mãng cầu, 8 giống mít, 7 giống nhãn, giống táo TN 05, giống nho NH 01-152 chất lượng cao phục vụ sản xuất.Song song với đó, tỉnh mở hơn 300 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến cho hơn 9.000 lượt hộ dân về kỹ thuật trồng trọt,bảo vệ thực vật sơ chế, chế biến và bảo quản các loại nông sản giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, nông nghiệp CNC của Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; thu hút 5-10 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Phối hợp với các ngành rà soát chính sách hiện có, từ đó tham mưu điều chỉnh, bổ sung chính sách về ruộng đất, tín dụng, thu hút và sử dụng nhân lực CNC trong nông nghiệp. Ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy hoạch. Liên kết, hợp tác với các viện, các trường, trung tâm CNC để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ, khoa học công nghệ tiên tiến, lựa chọn các loại cây trồng, giống cây trồng vật nuôi và quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Thùy Dung