00:00 Số lượt truy cập: 2990345

Ứng dụng công nghệ nuôi cá cảnh, thu lãi tiền tỷ mỗi năm 

Được đăng : 05/10/2020
Chọn việc nuôi và kinh doanh cá cảnh là “nghiệp” của mình, Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (khu phố Bình An 2, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) hiện mỗi năm thu về hàng tỷ đồng từ mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá cảnh.

pa41

Các bể nuôi cá được anh thiết kế khoa học

 

Ra trường năm 1992, với vốn kiến thức được học từ Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, sau nhiều nỗ lực, năm 2003, anh mới thực sự trở thành người chuyên nuôi cá cảnh với nhiều thành công. Qua sách báo, mạng internet và học hỏi từ những người đi trước, anh biết loài cá Dĩa Nam Mỹ, có nhiều chủng loại (xuất xứ từ vùng Amazon) là loài cá có tiềm năng cao, dễ nhân giống, lai tạo và được thị trường ưa chuộng, kể cả thị trường khó tính. Ban đầu, anh chỉ mua cá con về nuôi, khi đủ lớn thì bán. Tuy nhiên, qua quá trình nuôi anh phát hiện và mày mò nghiên cứu, tự lai tạo giống và ương cá con cung cấp cho thị trường cá cảnh. Đặc biệt, anh chú trọng đến ương cá dĩa con, coi đây là mặt hàng chủ lực.

Bên cạnh đó, anh còn nhập và nhân giống nhiều loại cá chép Koi Nhật Bản cung cấp cho thị trường trong nước. Riêng loài cá bảy màu, anh còn lai tạo được dòng cá bảy màu trong suốt, nhìn thấu được cơ quan nội tạng bên trong. Anh chia sẻ kinh nghiệm, trước đây, người ương, nuôi cá cảnh dùng máy sủi ôxy. Do bọt sinh ra có kích thước lớn nên nhanh chóng vỡ và chỉ giữ lại một phần ôxy trong nước. Nếu dùng hệ thống tạo khí nano sẽ tạo bọt có kích thước rất nhỏ. Do quá nhỏ nên bọt chỉ nằm lơ lửng trong hồ nước, dẫn đến nồng độ ôxy trong nước cao, giúp cho cá ăn nhiều, mau lớn và khí độc trong nước sẽ bị đẩy ra ngoài. Ngoài ra, anh còn dùng công nghệ blockchain để tra cứu, truy xuất dữ liệu nguồn trong quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp anh chọn giống bố mẹ không đồng huyết, an toàn dịch bệnh, tạo ra con giống dễ nuôi, mau lớn…

Để có kết quả như mong muốn, anh rất chú trọng đến nguồn thức ăn của cá, am hiểu đặc thù của từng loài, giống mình chọn lựa nên anh thường sử dụng thức ăn viên, thức ăn tự chế như dùng tim bò cắt nhỏ trộn với tảo spirulina, vitamin, khoáng đa, vi lượng, men sinh vật, chất kết dính dùng cho cá dĩa hoặc các loại thức ăn tươi sống như trùn chỉ, bo bo, artemina… Các sản phẩm thức ăn đều phải trải qua khâu xử lý ép đùn siêu lạnh, có lớp màng bao, giúp thức ăn không bị thấm nước trong 12 giờ, ngăn chặn sự biến tính các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp bảo quản và kiểm soát nguồn nước trong bể ươm. Đặc biệt, anh còn thành công trong ứng dụng công nghệ Aquaponics kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Aquaponics sử dụng chất thải cá từ bể cá để cung cấp cho cây trồng. Vi khuẩn nitrate hóa chuyển chất từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng nitrat phù hợp cho cây trồng. Nước được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp trở lại cho bể cá. Đây là hệ thống tuần hoàn khép kín tận dụng lợi ích của nhau một cách hoàn hảo.

Hiện, anh Sơn có một cơ sở ương, nuôi cá dĩa rộng 250m2 ngay tại nhà và khu trại rộng 1,5ha để ương nuôi các loại cá cảnh khác nhau. Doanh thu hàng năm của gia đình anh trên 5 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 vệ tinh nuôi, ương cá ở trong tỉnh và trên 10 vệ tinh ở các tỉnh lân cận để cung cấp cá ra thị trường. Cá cảnh của anh được bán ở Long An, các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Anh vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao quý, điển hình nhận được 2 bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, 1 Bằng khen của Hội Nông Dân Việt Nam, 1 bằng vinh danh của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, 2 bằng khen của Hội Nông Dân tỉnh Long An, 14 bằng khen của UBND tỉnh Long An, 15 giấy khen của UBND Thành Phố Tân An, Sở NN&PTNT Long An.

Hoa Mai