00:00 Số lượt truy cập: 2855390

ỨNG DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TẠI HÀ TĨNH 

Được đăng : 19/06/2024

 

 

Tăng cường ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhất là giống, công nghệ mới vào sản xuất là một trong những giải pháp trọng tâm được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế của tỉnh.

Mô hình nuôi tôm công nghệ sinh học tại xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà nhờ ứng dụng nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao mà chỉ hơn 3 tháng thả lứa tôm đầu tiên tôm sinh trưởng tốt, đạt từ 60 -80 con/kg, sản lượng đạt khoảng 60 tấn; mang về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Thành công nhờ công nghệ nuôi tôm sinh học ở Lộc Hà đã và đang chứng tỏ bước đi đúng đắn của chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao nói riêng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nói chung ở Hà Tĩnh.

Để hiện thực hóa được mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách hợp lý đối với từng vùng, địa phương, nhất là chính sách đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo và môi trường. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư thương theo hướng chủ động, gắn kết lâu dài với phương thức sản xuất của các hộ nông dân.

Từ lĩnh vực khai thác khoáng sản và kinh doanh thương mại, nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, nhất là các chính sách khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã lấn sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phối hợp với các đối tác nước ngoài như: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… phát triển chăn nuôi bò Charolais chất lượng cao. Đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp Isarael hàng trăm ha đất nông nghiệp đồi cát hoang hóa, bạc màu ở các địa phương Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã trở thành những cánh đồng sản xuất màu mỡ.

Chủ trương phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất không những được triển khai trên những cánh đồng mẫu, vùng đất bạc màu mà còn len lỏi vào tận mỗi gia đình, vườn hộ. Thông qua việc du nhập các giống cây, con và phương thức sản xuất mới, người dân trên địa bàn đã cải tạo hơn 2000 vườn để sản xuất các loại cây, con hợp lý mà lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, nền sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn còn tồn tại tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có những sản phẩm chất lượng cao, sức cạnh tranh còn yếu. Đây là vấn đề then chốt cần sớm được giải quyết.

Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhất là giống công nghệ mới vào sản xuất là một hướng đi đúng của tỉnh. Là một bước tạo đà quan trọng để vươn tới nền nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai gần./.

                                                                                Lê sinh