Trước đây gia đình ông vẫn sản xuất và chế biến chè theo phương thức truyền thống thủ công, lạc hậu, thậm chí lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Với lối tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chưa quan tâm nhiều tới nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản phẩm chè thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả không cao. Đồng thời, trước bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, áp lực nặng nề từ nền kinh tế thị trường đã làm cho việc sản xuất và chế biến chè theo cách truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến đời sống gia đình ông hết sức vất vả.
Trước những khó khăn, thách thức đó, buộc gia đình ông phải thay đổi tư duy, tìm một hướng đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông tham gia tích cực các lớp tập huấn trang bị kỹ thuật, giới thiệu và chuyển giao khoa học công nghệ của địa phương, được thăm quan học hỏi các mô hình sản xuất chế biến kinh doanh chè trong và ngoài tỉnh. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng và chế biến chè theo phương pháp truyền thống sang trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đồi chè của gia đình ông được thiết kế rất bài bản. Chè được trồng thành từng lô khác nhau, giữa các lô chè có đường đi lại để tiện việc chăm bón, thu hái và vận chuyển chè tươi về nhà sao xấy. Ở chân đồi, ông thuê máy đào thành ao chứa nước rộng gần 1.000m2, bảo đảm đủ nước tưới chống hạn. Từ hơn 2 năm trước, ông đầu tư lắp đặt hệ thống bơm tưới chè tự động, nhờ đó cây chè được tưới mát thường xuyên, điều độ, không lãng phí nước.Hiện gia đình có 8.000m2 đất chè, mỗi năm thu hoạch được 1.200 kg chè búp khô các loại, gồm 3 sản phẩm chính: Chè móc câu truyền thống, chè đinh và chè tôm nõn. Chè móc câu có giá bán 350.000 đồng/kg; chè tôm nõn có giá bán 550.000 đồng/kg; chè đinh có giá bán 2,8 triệu đồng/kg.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, ông đã đầu tư với 01 xưởng chế biến rộng 250m2, máy hút chân không, thu mua chè khô về sơ chế chè xanh, ngoài ra còn đầu tư dây truyền sản xuất chế biến chè đặc sản như chè đinh, chè nõn 2-3 tạ búp tươi/ngày. Năm đầu đi vào sản xuất, sau khi trừ chi phí thu nhập gia đình đạt 250 triệu đồng. Tới nay số lượng hàng bán ra ngày càng tăng, cho doanh thu đạt trên 1,2tỷ đồng/năm. Trừ chi phí mỗi năm mô hình này cho thu nhập trên 950 triệu đồng. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5- 7 lao động là con em trong vùng, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Để đạt được kết quả đó gia đình ông ông đã chủ động xây dựng phương án đầu tư vốn, xây dựng nhà xưởng đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Máy sao chè bằng ga của Đài Loan; Máy đóng gói hút chân không. Dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Ông luôn chú trọng việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, tăng cường công tác xây dựng thương hiệu, gia đình ông rất quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch VietGap. Không hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian là những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào luôn đạt được chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù thời gian qua, việc sản xuất kinh doanh của gia đình ông đã đạt được nhiều kết quả, nhưng ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc chấp hành quy trình sản xuất chè an toàn và xây dựng thương hiệu chè Tân Cương, từng bước tạo ấn tượng độc đáo riêng biệt để khi nhắc đến Thái Nguyên.
Lan Phương