Tác giả đang kiểm tra lúa trên đồng được ứng dụng giải pháp sáng tạo của mình
Là một Chủ tịch Hội Nông dân, ông Cao Hữu Lý ở thôn Suối Môn, xã Cam Phước Đông TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa luôn trăn trở bởi đất bị phèn, mặn, lúa đạt năng suất thấp. Sau thời gian nghiên cứu, ông nhận thấy, vùng đất này thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, không có thảm thực vật bao phủ khiến nước bốc hơi nhanh; mạch nước mặn ngầm từ dưới đi lên làm đất chua và mặn. Đồng thời, nông dân bón phân không cân đối nên đất càng ngày càng suy thoái, sản xuất lúa kém hiệu quả. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, ông Lý đã sáng chế ra giải pháp “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo đất nhiễm phèn mặn nhằm tăng năng suất lúa 2 vụ”, xin giới thiệu đến bà con nông dân cả nước giải pháp của ông Lý.
1. Tính mới của giải pháp
Áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo và giảm độ phèn, mặn của ruộng lúa bằng cách bón vôi, lân, bón phân cân đối, Tác giả xử lý bằng cách cho rút nước trên ruộng rồi bơm nước mới vào thay thế để hòa loãng sắt hoặc nhôm trong đất; bón 200 - 300kg vôi bột/ha để nâng độ pH của đất và nước, giúp cho bộ rễ phát triển thoát khỏi tình trạng nhiễm phèn. Đối với đất phèn, mặn, ông bón vôi nung để vừa rửa mặn, hạ phèn; chân ruộng nhiễm mặn không có phèn, bón vôi thạch cao liều lượng 300 - 500kg/ha rải đều sau khi đã cày, xới xáo và để ngập nước; tiếp tục rải vôi, cày bừa lại cho đều, ngâm nước 1 - 2 ngày rồi rút bỏ.
Sử dụng phân đạm, phân lân và phân kali cân đối và hợp lý đông thời bổ sung phân trung lượng và phân vi lượng. Áp dụng các biện pháp khác trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chương trình 1 phải 5 giảm để tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư, mang lại lợi nhuận cao hơn.
2. Tính hiệu quả của giải pháp
- Hiệu quả kinh tế: Tăng năng suất lúa tại cánh đồng nhiễm phèn mặn tại xóm Mới và xóm Suối Hai, thôn Giải Phóng từ 41 tạ/ha bình quân lên 60 tạ/ha bình quân.Những cánh đồng khác trên toàn xã đã áp dụng tăng năng suất trê 62 tạ/ha. Giảm thiểu tình trạng suy thoái đất đang diễn ra ngày càng tăng, giảm chi phí về tiền thuốc và công bơm thuốc bảo vệ thực vật, giảm đầu tư phân bón do không sử dụng DAP và NPK.
Tăng chất lượng nông sản, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Hiệu quả xã hội:Góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số thôn giải phóng. Sản lượng lương thực tăng góp phần giảm nạn thiếu đói mùa giáp hạt. Quy trình IMP cho thu hoạch sản phẩm sạch, không có thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp sạch.
3. Khả năng áp dụng
GIải pháp cải tạo đất phèn, nâng năng suất lúa của tác giả được nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở cánh đồng Xóm Mới và Suối Hai, thôn Giải Phóng với 39 ha và áp dụng rộng rãi ra toàn xã, góp phần ổn định sản lượng lúa tại xã Cam Phước Đông. Giải pháp dễ dàng áp dụng không cầu kỳ và có sức lan tỏa rất nhanh trong khu vực sản xuất lúa của thành phố Cam Ranh và vùng lân cận. Chi phí đầu tư không cao thậm chí còn thấp hơn giá thành đầu tư bình thường. Áp dụng quy trình này trên cánh đồng. nhiễm phèn mặn, áp dụng rộng rãi thông qua công tác tuyên truyền của tổ chức Hội nông dân các cấp.
Văn Hùng